Đặc sản miền núi gia nhập thị trường Tết

11:01, 08/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ sản xuất, chế biến phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, mà nhiều mặt hàng của đồng bào vùng cao Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ... còn được đưa đến các chợ trung tâm, cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh để phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, nhiều cơ sở chế biến rượu cần truyền thống của đồng bào Hrê ở huyện Sơn Hà đã và đang tập trung sản xuất rượu để phục vụ thị trường Tết. Tại làng Ranh, xã Sơn Ba (Sơn Hà), nhiều hộ dân tất bật với các công đoạn làm rượu cần.

Ông Đinh Văn Trút, một hộ dân có kinh nghiệm lâu năm trong chế biến rượu cần cho biết: "Làm rượu cần quan trọng nhất là khâu chọn gạo. Muốn rượu ngon phải chọn lúa rẫy. Men rượu được làm hoàn toàn bằng một loại lá và rễ cây rừng. Gạo lúa rẫy được trộn với men lá rừng, đưa vào ché, ủ khoảng 1 tháng là dùng được".

 

 Rượu sâm cau Việt của cơ sở sản xuất Nguyễn Đình Trung, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Rượu sâm cau Việt của cơ sở sản xuất Nguyễn Đình Trung, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).


Giá mỗi ché rượu cần từ 300.000 - 500.000 đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được. Để có rượu dùng trong dịp Tết, khách hàng thường phải đặt trước cả tháng, vì việc chế biến rượu phải qua nhiều công đoạn.

Cùng với rượu cần, rượu sâm cau Sơn Hà cũng đang được người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng. Trong đó, nơi nhận được nhiều đơn hàng nhất là cơ sở sản xuất "Rượu sâm cau Việt" của anh Nguyễn Đình Trung, ở thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Cơ sở này được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: "Huyện đã động viên các hộ dân sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa để phục vụ thị trường Tết, trong đó coi trọng mẫu mã, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Huyện cũng tổ chức đưa 9 mặt hàng vào hệ thống Siêu thị Big C, như thịt heo ky, gà kiến, rau dớn, ớt xiêm...".

Để tạo điều kiện đưa mặt hàng nông sản của địa phương tiến sâu vào thị trường, UBND huyện Sơn Hà đã xúc tiến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đến nay, UBND tỉnh đã thống nhất sử dụng tên địa danh “Sơn Hà” chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm: Rượu cần Sơn Hà, gà kiến Sơn Hà, rau rừng Sơn Hà, heo ky Sơn Hà, sâm cau Sơn Hà, ớt xiêm Sơn Hà. Huyện Sơn Hà còn duy trì liên kết bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với Siêu thị Big C miền Trung và các Siêu thị Big C phía Nam (20 siêu thị), gồm gà kiến, rau rừng và một số sản phẩm khác.

Ở huyện vùng cao Sơn Tây, mỗi dịp Tết về, sức nóng của rượu sâm cau lại tăng lên. Với lợi thế là vùng có nhiều sâm cau tự nhiên mọc trên núi cao, người Ca Dong lên núi đào sâm cau về rồi dùng rượu gạo tự nấu để ngâm. Mỗi bình rượu sâm cau thành phẩm được bán với giá từ 350.000 - 500.000 đồng. Hiện nay, lô rượu sâm cau phục vụ Tết đã chuẩn bị xuất bán cho các cơ sở kinh doanh rượu ở TP.Quảng Ngãi.

Những ngày này, tại huyện vùng cao Ba Tơ, các cơ sở chế biến rượu cần ở Ba Nam, Ba Ngạc, Ba Thành, Ba Tiêu, thị trấn Ba Tơ cũng rất nhộn nhịp. Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các lễ hội sinh hoạt cộng đồng và nay còn được sử dụng nhiều trong dịp lễ, Tết, nên mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh cho nhiều hộ dân ở các huyện miền núi, trong đó có Ba Tơ.


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.