Đưa nông sản vào siêu thị

05:10, 22/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, hàng nông sản do đồng bào dân tộc Hrê ở vùng cao Sơn Hà sản xuất đã có mặt tại 4 siêu thị Big C miền Trung và 15 siêu thị Big C khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đây là một thành công của huyện Sơn Hà, bởi lẽ trong khi người dân ở nhiều địa phương khác đang khó nhọc tìm đầu ra cho nông sản, thì ở đây sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khi lãnh đạo huyện đi “chào hàng”  

Mới đây, Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà đã tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản của huyện với Tập đoàn Central/Big C Việt Nam sau gần 1 năm triển khai. Tính đến ngày 30.9.2018, doanh số các sản phẩm đã cung cấp và tiêu thụ tại 4 siêu thị Big C miền Trung và 15 siêu thị Big C khu vực TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đạt trên 1 tỷ đồng.

Các sản phẩm được tiêu thụ ngoài gà kiến do đồng bao Hrê chăn nuôi, còn lại là từ rừng như rau dớn, ớt xiêm, rau ngót rừng, bắp chuối rừng... Những sản phẩm có doanh thu cao như: Gà kiến (gần 700 triệu đồng); ớt xiêm rừng (185 triệu đồng)...

 

Đóng gói sản phẩm ớt xiêm rừng để cung cấp cho các siêu thị.
Đóng gói sản phẩm ớt xiêm rừng để cung cấp cho các siêu thị.


Để đạt được kết quả nói trên, đích thân lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà đã trực tiếp đi “gõ cửa” các siêu thị ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo lời của một vị lãnh đạo Tập đoàn Central Việt Nam, thì đây là lần đầu tiên họ gặp lãnh đạo của một huyện đi quảng bá nông sản thay cho nông dân, bởi lẽ phần lớn đều thông qua các doanh nghiệp. Người đứng đầu ở các siêu thị đồng ý tiếp nhận nông sản ở Sơn Hà, vì giá trị của các sản phẩm từ núi rừng và một phần cũng bởi lãnh đạo huyện đã không quản ngại vất vả, vì mục tiêu đem lại lợi ích thiết thực cho người dân ở địa phương.

Cầu đã vượt cung

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Thanh Hường cho biết: Hiện nay nhiều nông sản ở Sơn Hà không đủ để đáp ứng đơn đặt hàng của các siêu thị. Đưa hàng nông sản của đồng bào Hrê vào siêu thị đã là một “kỳ tích”, nay cầu lại vượt cung là điều đáng mừng hơn nữa. Để đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhóm hộ trồng rau ở xã Sơn Trung (Sơn Hà) đã tiến hành xuống giống khoai lang Nhật, với diện tích khoảng 1.500m2 và 3.000m2 đất để trồng dưa leo.

Dự kiến, trong tháng 10 này sẽ có sản phẩm dưa leo để cung cấp cho các siêu thị Big C, với sản lượng 150-200kg/ngày. UBND huyện Sơn Hà cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức các nhóm hộ nông dân trồng các loại rau, củ quả theo đơn đặt hàng của Big C như: Dưa leo, khổ qua rừng, bí ngòi xanh, dưa hắc mỹ nhân, khoai lang Nhật.

Hiệu quả mang lại đã kích thích tư duy làm kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Hà. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thanh Hường, không đơn giản để thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, để làm được điều này đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực của cán bộ địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, nhất là đào tạo kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý cho nông dân cũng như các nhóm hợp tác.


Từ thực tế ở Sơn Hà cho thấy, đây là bài học kinh nghiệm trong việc liên kết, tiêu thụ nông sản mà các địa phương khác trong tỉnh cần học hỏi, để giúp nông dân thoát khỏi cảnh phập phồng lo lắng vì nông sản không có đầu ra ổn định.
 

Sử dụng tên “Sơn Hà” để xây dựng nhãn hiệu sản phẩm


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng vừa ký văn bản đồng ý cho UBND huyện Sơn Hà sử dụng tên địa danh “Sơn Hà” để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc trưng như: “Heo ky Sơn Hà”, “Gà kiến Sơn Hà”, “Rau rừng Sơn Hà”. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Sơn Hà, Sở KH&CN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo, để xây dựng chứng nhận nhãn hiệu nêu trên.

 


Bài, ảnh: PV

 


.