Phát triển vốn rừng

02:01, 03/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực.

TIN LIÊN QUAN

Theo đó, ngành đã chuyển hướng từ việc chú trọng phát triển diện tích và độ che phủ rừng sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh giao đất, giao rừng

Đến nay, ngành chức năng đã hoàn thành các loại quy hoạch làm cơ sở thực hiện các kế hoạch phát triển lâu dài như quy hoạch 3 loại rừng và kiểm kê rừng; quy hoạch vùng nguyên liệu trồng rừng gỗ lớn; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; quy hoạch chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu.

Mỗi năm, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín cung cấp hàng triệu cây giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô phục vụ cho việc trồng rừng.                                                                                                                                                      Ảnh: NK
Mỗi năm, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín cung cấp hàng triệu cây giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô phục vụ cho việc trồng rừng. Ảnh: NK


Các đơn vị cũng đang lập quy hoạch chi tiết hai khu bảo tồn dự trữ thiên nhiên trên cạn khu tây huyện Ba Tơ và khu tây huyện Trà Bồng; Dự án rà soát rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; quy hoạch hệ thống rừng giống và vườn ươm giống cây lâm nghiệp và tích cực triển khai thực hiện dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng... Các quy hoạch, dự án này là cơ sở để cho ngành lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp theo đúng định hướng trong thời gian tới.

Toàn tỉnh hiện có 344.882ha đất có rừng và 29.552ha đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp. Qua biến động diện tích, đến nay so với năm 2015, rừng tự nhiên tăng hơn 3.722ha và đất có rừng trồng chưa thành rừng quy hoạch cho lâm nghiệp tăng hơn 44.799ha.

Nhờ sự tích cực phối hợp triển khai thực hiện của các cấp ngành, địa phương, đến nay toàn tỉnh đã giao hơn 116.992ha rừng cho các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng dân cư, đạt khoảng 96% diện tích cần giao. Tỉnh cũng đã giao 76.665ha rừng gắn với giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ.

Phát huy tài nguyên đất rừng

Được giao rừng và đất lâm nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã phát huy tài nguyên đất rừng, để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đơn cử như Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ đã chuyển trên 2.500ha keo từ 6 – 7 năm tuổi sang rừng gỗ lớn, ước giá trị sau thu hoạch cao gấp 3 – 3,5 lần so với rừng trồng 5 – 6 năm tuổi.

Các dự án về nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen giống cây quế bản địa Trà Bồng; xây dựng cơ sở lâm nghiệp chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô; hỗ trợ vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; trồng rừng ngập mặn ven biển tại các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ; điều tra, xây dựng và phát triển nguồn giống cây bản địa như lim xanh, dầu rái, chò chỉ... đã và đang triển khai.

Đặc biệt, trong năm 2017, công tác phát triển rừng đạt kết quả đáng ghi nhận. Bằng nguồn ngân sách, các BQL rừng phòng hộ đã triển khai trồng hơn 58ha rừng phòng hộ cây lim xanh và trồng gần 33ha rừng phòng hộ cảnh quan môi trường ở huyện đảo Lý Sơn. Dự án trồng rừng ngập mặn ven biển tại 3 xã của huyện Bình Sơn đã trồng hơn 23ha và Dự án JICA2 – Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ đã thiết kế thực hiện hơn 526ha. Năm 2017, các hộ gia đình, cá nhân trồng mới 26.114ha rừng sản xuất và trồng lại 1.788ha, sau khi đã khai thác 24.326ha.

Những năm gần đây, diện tích rừng trồng phát triển nhanh, với khoảng 12.000ha rừng tập trung, nên độ che phủ rừng ước đạt trên 51%, tăng 1,07% so với năm 2015. Sản lượng gỗ qua khai thác từ rừng sản xuất đem lại nguồn thu đáng kể. Sản lượng khai thác trong năm 2017 ước đạt 927.000 tấn, tăng 211.000 tấn so với năm 2015.

Cùng với việc gia tăng diện tích rừng, các cơ sở dịch vụ chế biến gỗ cũng phát triển nhanh. Hiện toàn tỉnh có 526 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ. Các cơ sở này hằng năm thu mua, sản xuất ra rất nhiều mặt hàng giá trị để cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, đã có những tác động tích cực để góp phần thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm đến.                                                          

NGUYỄN KHÂM  

 


.