Bình Trung nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rừng

09:09, 04/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (KDDVNN) 1 Bình Trung (Bình Sơn), một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế lâm nghiệp từ nhiều năm nay. Đặc biệt, HTX đã nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rừng thông qua việc liên kết chặt chẽ tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ, thành một quy trình khép kín, đem lại hiệu quả cao cho HTX và các hộ thành viên.
 

TIN LIÊN QUAN


HTX KDDVNN 1 Bình Trung thành lập từ năm 1978, gồm 1.500 thành viên, với diện tích đất tự nhiên 804ha, trong đó có 60ha đất rừng trồng cây bạch đàn từ những năm 1990 trở về trước. Tuy đã qua nhiều kỳ thu hoạch, nhưng không tái đầu tư nên kém hiệu quả, chủ yếu là để lấy gỗ làm nhà, làm chuồng trại chăn nuôi, số còn lại bán với giá thấp. Vì vậy, bà con không dám đầu tư để phát huy tiềm năng thế mạnh của rừng.

 Keo lai của HTX KDDVNN Bình Trung 1 trồng theo quy trình nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rừng phát triển tốt.
Keo lai của HTX KDDVNN Bình Trung 1 trồng theo quy trình nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm rừng phát triển tốt.


Những năm gần đây, nhờ chủ trương khuyến khích trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc và chương trình khuyến lâm của tỉnh khuyến khích chuyển đổi cây bạch đàn sang trồng cây keo lai lấy gỗ làm nguyên liệu giấy, tạo thời cơ thuận lợi để HTX Bình Trung phát triển kinh tế rừng.

Đặc biệt là từ năm 2002 đến nay, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX KDDVNN 1 Bình Trung đã xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm rừng từ đầu vào cho đến đầu ra khép kín. Qua đó, HTX đã tổ chức cho thành viên triển khai trồng 60ha rừng gắn với chuỗi giá trị sản phẩm rừng.

Bước đầu, HTX thuê cơ giới cải tạo đất, đào gốc bạch đàn, cây tạp, làm đường vận chuyển, đường ranh giới chống cháy rừng; bố trí phân lô theo địa hình thuận lợi với diện tích mỗi lô rộng từ 1-1,5ha. Sau đó tổ chức đấu thầu, giao khoán cho từng hộ thành viên theo phương án do HTX xây dựng. Phần HTX, chịu trách nhiệm giao đất lâm nghiệp đã cải tạo cho các hộ thành viên trúng thầu và cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Đến khi thu hoạch, HTX hưởng 52%, còn thành viên trồng và chăm sóc rừng được hưởng 42% giá trị tổng sản phẩm. Riêng cây trồng xen năm đầu hộ thành viên nhận thầu hưởng 100%.

HTX đã thành lập Tổ bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng gồm 10 người ở khu dân cư gần rừng và trích kinh phí mua 10 bình chống cháy cấp cho tổ bảo vệ. Đến kỳ khai thác, HTX họp các hộ thành viên nhận khoán trồng rừng lên phương án khai thác gỗ; cử đại diện hộ trồng rừng cùng HTX đến nhà máy khảo sát giá và cùng ký hợp đồng, xong về tổ chức đốn chặt.

Đối với việc quản lý khai thác, HTX tổ chức chặt chẽ từ khâu đốn chặt đến khâu bốc xếp vận chuyển tới nhà máy. Nhà máy thanh toán tiền qua chuyển khoản, HTX nhận và thanh toán lại cho hộ trồng rừng theo tỷ lệ được hưởng.

Kết quả, năm 2008 HTX đã khai thác 30ha, đạt sản lượng 2.300 tấn gỗ, bán cho nhà máy doanh thu 2,4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí còn lại 2,05 tỷ đồng. HTX hưởng 1,1 tỷ đồng, hộ trồng rừng hưởng 922 triệu đồng. Năm 2013, HTX khai thác 30ha, đạt sản lượng 3.700 tấn gỗ, doanh thu 3,7 tỷ đồng, trừ chi phí HTX hưởng 1,7 tỷ đồng, hộ trồng rừng hưởng 1,4 tỷ đồng.

Các cây trồng xen với cây keo lai năm đầu như mì, dưa hấu, đậu phụng, mỗi hécta thu khoảng từ 10 - 20 triệu đồng, hộ trồng rừng được hưởng 100%. Dự kiến, sang năm 2018, đến kỳ khai thác rừng của HTX, ước sản lượng gỗ đạt khoảng 3.000 tấn, HTX tổ chức thu hoạch gắn với chuỗi giá trị sản phẩm rừng và thực hiện tốt mô hình trồng 1ha rừng tỉa thưa để bán gỗ lớn.

Điều đáng nói là, qua việc phát triển và nâng cao giá trị từ kinh tế rừng gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, HTX đã vận động các hộ thành viên tham gia trồng rừng bỏ dần tập quán của người dân trước đây thường trồng cây với mật độ dày, chu kỳ kinh doanh ngắn, hiệu quả chưa cao, đất mau thoái hóa bạc màu, sản lượng gỗ thấp... để chuyển sang trồng các giống keo lai Úc gieo bằng hạt, hoặc đưa giống nuôi cấy mô vào sản xuất; chuyển đổi dần cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn từ 7- 10 năm tuổi bán cho các nhà máy chế biến đồ gỗ và xuất khẩu, để nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo kế hoạch, năm 2018, HTX KDDVNN Bình Trung 1 làm thí điểm 5ha và đến năm 2023 sẽ nâng tổng diện tích rừng trồng khai thác gỗ lớn lên tới 30ha, nhằm nâng cao hơn nữa chuỗi giá trị sản phẩm rừng.


Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM

 


.