Hệ lụy từ "thẻ vàng" thủy sản

08:11, 09/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 23.10 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EU) đã chính thức “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam vì chưa khống chế hiệu quả tình trạng ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đây là thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản trong nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng...

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp lo lắng

Trước việc EU rút “thẻ vàng”, một số doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh cho rằng, điều này không chỉ tác động mạnh đến uy tín của hải sản Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Bởi, trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến thời gian thực hiện thủ tục thông quan kéo dài, chi phí tăng, rủi ro lớn. Nhất là việc đối tác có thể từ chối hoặc trả hàng bất cứ lúc nào.

"Thẻ vàng" của EU sẽ khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu hải sản sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.


Giám đốc Nhà máy chế biến hải sản Hoàng Rin Dương Văn Rin cho biết: “Ngoài Hàn Quốc, Châu Âu cũng là thị trường mà chúng tôi đang hướng đến. Tuy nhiên, bị EU rút “thẻ vàng”, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường”.

Theo anh Rin, thông thường, các thị trường EU, Mỹ hay Hàn Quốc chỉ yêu cầu DN xuất khẩu hải sản phải tuân thủ các quy định, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Nhưng khi bị “thẻ vàng”, phía đối tác sẽ bổ sung thêm thủ tục kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này không chỉ khiến DN gặp khó, mà còn ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Vì vậy, việc EU rút “thẻ vàng” không chỉ tác động xấu tới xuất khẩu hải sản sang EU, mà còn ảnh hưởng đến các thị trường tiềm năng khác. Ngoài EU, Mỹ cũng có thể áp dụng IUU từ ngày 1.1.2018. Vì vậy, nếu không sớm chấn chỉnh tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản trái phép, những hàng rào kỹ thuật trênsẽ tác động tiêu cực đến đời sống ngư dân.

Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực khẳng định uy tín của mình, các DN cũng mong muốn ngành chức năng tăng cường kiểm soát và quản lý chặt việc ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến để ngư dân biết hậu quả của tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ngành chức năng quyết liệt chấn chỉnh

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài cao nhất nước. “Nhưng sau khi ngành chức năng quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, tình trạng trên đã cải thiện đáng kể.

Số lượng tàu thuyền và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là vùng biển Thái Bình Dương khi khai thác hải sản đã giảm rõ rệt”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn cho biết.

Tuy nhiên, tình trạng ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn tái diễn. Theo tìm hiểu của phóng viên, cuối tháng 10 vừa qua, một chiếc tàu của ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn) đã trở về trót lọt sau khi khai thác hải sâm trái phép ở nước ngoài với doanh thu nhiều tỷ đồng. Điều này khiến hàng chục chiếc tàu của ngư dân ở Bình Châu rục rịch đi tìm vận may...

Do đó, để chấn chỉnh, tiến tới chấm dứt tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời kiên quyết không cấp giấy phép khai thác hải sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; kiểm tra và xử lý nghiêm việc khai thác, tiêu thụ, chế biến các loại hải sản quý hiếm khai thác trái phép; xây dựng đề án và thực hiện lộ trình chuyển đổi nghề cho tàu lưới kéo và tàu khai thác hải sản ven bờ…

Cùng với đó, các đơn vị quản lý như Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng cũng đã yêu cầu ngư dân phải chấp hành sổ nhật ký theo dõi khai thác. Khi chủ tàu xin cấp phép khai thác hải sản, yêu cầu phải có sổ nhật ký theo dõi. Nếu phát hiện các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, Chi cục Thủy sản sẽ không đăng ký, đăng kiểm.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.