Thực hiện Nghị định 67: "Quên" hạ tầng thủy sản

08:10, 06/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với hiện đại hóa đội tàu thì việc đầu tư hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu khai thác và chế biến  thủy sản là nội dung quan trọng của Nghị định 67. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện nghị định này, hạ tầng thủy sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi được Chính phủ đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị định 67. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phê duyệt 101 hồ sơ chủ tàu đóng mới và 43 chủ tàu nâng cấp tàu cá. Trong đó, đã có 9 chiếc tàu vỏ thép, 31 chiếc tàu vỏ gỗ hoàn thành, đưa vào sử dụng; 2 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ và 2 tàu composite đang thi công.

Hạ tầng thủy sản vừa thiếu, vừa yếu nên nhiều lúc tàu thuyền phải tạm thời dùng thúng để vận chuyển sản phẩm tại cảng Sa Kỳ.
Hạ tầng thủy sản vừa thiếu, vừa yếu nên nhiều lúc tàu thuyền phải tạm thời dùng thúng để vận chuyển sản phẩm tại cảng Sa Kỳ.


Tuy nhiên, đó chỉ là lĩnh vực đóng mới, nâng cấp tàu cá; còn hạ tầng thủy sản thì dường như đứng ngoài chính sách. “Sau 3 năm thực hiện Nghị định 67, trên địa bàn tỉnh chưa có bất cứ công trình, hạng mục hạ tầng thủy sản nào được đầu tư, nâng cấp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác và chế biến hải sản của ngư dân trong tỉnh”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn cho hay.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, Quảng Ngãi là địa phương có số lượng tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt xa bờ nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, vì hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá vừa thiếu, vừa yếu, nên ngư dân trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc neo đậu và tránh trú tàu thuyền.

Theo phản ánh của ngư dân, hiện nay, khi sắp xếp và bố trí chỗ neo đậu, tránh trú tàu thuyền, Ban quản lý các cảng cá các tỉnh thường ưu tiên tàu thuyền địa phương. Điều này khiến ngư dân Quảng Ngãi rất vất vả, thậm chí không tìm được nơi tránh trú, neo đậu tàu thuyền. “Bão số 10 vừa qua, số lượng tàu thuyền cập cảng Thọ Quang, TP.Đà Nẵng quá nhiều, nên BQL ưu tiên sắp xếp chỗ cho tàu thuyền địa phương. Phải chật vật lắm tôi mới tìm được chỗ neo đậu tàu ở luồng phía ngoài”, ngư dân Bùi Duy Thảo, xã Bình Châu (Bình Sơn) bộc bạch.

Còn ngư dân Phạm Vinh, xã Bình Châu cũng phàn nàn tình trạng đưa tàu đi đậu nhờ. “Việc neo đậu tàu ở các địa phương khác chẳng dễ dàng như trước. Không chỉ chật vật “xin” chỗ đậu, chi phí dịch vụ hậu cần tăng, mà ngư dân ngoài tỉnh như chúng tôi còn lo tình trạng mất trộm, cháy nổ”, ông Vinh cho hay.

Khu dịch vụ hậu cần, chế biến hiện rất nhếch nhác, tạm bợ.
Khu dịch vụ hậu cần, chế biến hiện rất nhếch nhác, tạm bợ.


Thực trạng trên ngư dân nhiều lần phản ánh, Chi cục Thủy sản cũng đã tiếp nhận. Tuy nhiên, Chi cục trưởng Lê Văn Sơn cho rằng, kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá quá lớn, vì thế Chi cục cũng chỉ biết tổng hợp và... báo cáo cấp trên quan tâm, xem xét.

Theo Nghị định 67, Quảng Ngãi là một trong những địa phương được ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng, nâng cấp hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá. Thế nhưng đã hơn 3 năm, sau khi Nghị định 67 ra đời, hạ tầng thủy sản không có gì mới. Ngư dân vẫn phải đưa tàu đi đậu nhờ, nên thường rơi vào cảnh “bán sản phẩm giá thấp, mua nguyên liệu giá cao”. Đây là lý do, khiến ngư dân trong tỉnh thu nhập không cao.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, kinh tế biển là ngành mũi nhọn, mang lại nguồn thu lớn cho người dân và xã hội. Tuy nhiên, vì ngân sách eo hẹp, nên giai đoạn 2016-2020, không có hạng mục công trình thủy sản nào được bố trí vốn. Vì vậy, giải pháp căn cơ là đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng thủy sản. Nhưng xã hội hóa thế nào, cơ chế thu hút đầu tư ra sao, thì UBND tỉnh và các cấp, ngành sẽ nghiên cứu và tìm giải pháp để sớm “gỡ khó” cho ngư dân, giúp bà con yên tâm bám biển.

Ngư dân trong tỉnh hy vọng sẽ sớm có những công trình phục vụ hậu cần nghề cá đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu khai thác và chế biến hải sản, giúp họ bớt khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.