Ôm quả đắng vì mua tận thu cau non

09:10, 04/10/2017
.

(Baoquangngai.vn) - Cau non không có giá trị sử dụng, nhưng vì cau sốt giá bất thường nên nhiều thương lái mua theo kiểu tận thu, thượng vàng hạ cám, để rồi chỉ sau một đêm, lâm vào cảnh khóc ròng vì giá cau đột ngột giảm đến 8.000 đồng/kg.

TIN LIÊN QUAN

Ôm sô vì mua cau non
 
Thời gian gần đây, khi giá cau ở đồng bằng dao động từ 14.000 đến 18.000 đồng/kg, thì tại huyện Sơn Tây, nơi được mệnh danh là đất ngàn cau, thương lái tranh nhau mua gom cả cau non lẫn cau già về sấy khô xuất bán sang Trung Quốc, đẩy giá lên kỷ lục 26.500 đồng/kg.
 
Thế nhưng, chỉ sau một đêm, họ lại rơi vào tình trạng lao đao, khốn khổ chỉ vì thương lái Trung Quốc từ chối thu mua cau non, hàng trả về phải đổ bỏ.
 
Trò chuyện với chúng tôi, một thương lái tên Dung ở thôn Tang Via, xã Sơn Dung phản ánh: Mấy ngày trước, thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom cau với số lượng lớn, giá sốt từng ngày, từ 20.0000 đồng/kg, tăng vọt lên 26.500 đồng/kg. Do đó, các chủ lò sấy phải vơ vét cả cau non lẫn cau già.
 
 

Dân buôn ồ ạt thu mua cau.

 
 
Những tưởng đây là cơ hội làm ăn hiếm có, thương lái và người dân ồ ạt hái cau non bán cho các chủ lò. Nhưng sáng hôm nay, thương lái Trung Quốc đột ngột giảm xuống còn 18.000 đồng/kg và ngừng thu mua cau non, khiến cho tư thương, chủ sò sấy dở khóc dở cười. 
 
“Chỉ sau một đêm, tôi lỗ mấy chục triệu. Ba tấn cau xuất đi sáng hôm qua, chiều nay họ trả về 800kg cau non coi như mất trắng; 2,2 tấn cau vừa thì lỗ mỗi ký 6.500 đồng/kg” - chị Dung than thở.
 
Mất ăn, mất ngủ, buồn hiu khi nghĩ đến khoản lỗ hơn 40 triệu vì xe cau vừa bị trả về, thương lái tên Hưng ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung lí giải: Thực tế, cau non không có giá trị sử dụng vì khi sấy sẽ bị teo tóp, lâu nay Trung Quốc không nhập hàng. 
 
Đầu mùa năm ngoái, giá cau chỉ dao động từ 12.000 -14.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất 19.000 đồng/kg. Chưa năm nào cau sốt giá như thế này. Không mua thì không có bán.
 
 

Chưa bao giờ cau sốt giá như năm nay.

 
“Thương lái Trung Quốc mua “hỗn”, bảo mình thu tất tần tật nên các chủ lò cũng chủ quan mua cả non lẫn già. Khi họ đột ngột dừng thu mua thì mình ôm quả đắng”- anh Hưng chia sẻ.
 
Bài học không mới
 
Cũng theo chị Dung, hiện tại nhu cầu thị trường Trung Quốc đang rất hút cau đã đẩy giá cau nội địa tăng đột biến. Các chủ sò sấy thu mua về cho vào lò sấy trong thời gian 5 ngày đêm, 4kg cau tươi sau khi sấy được 1kg cau khô. Cau khô dồn bao rồi xuất bán cho thương lái Trung Quốc. 
 
“Mình chỉ nghe là cau sang đấy làm kẹo cau. Mọi năm, cau xuất sang Trung Quốc phải đạt chất lượng, chưa có hạt, không non cũng không già. Không hiểu sao năm nay, đầu mùa họ ăn cả cau non nên không chỉ tôi mà hầu hết  thương lái và các chủ lò sấy đều bị lừa” - chị Dung phân trần.
 
Chưa năm nào cau sốt giá như năm nay, người dân trước đây chặt bỏ cau đang ươm giống mở rộng diện tích cau trở lại. 
 
 

Cau thu mua về được đưa vào lò sấy trước khi xuất bán cho thương lái Trung Quốc.

 
Anh Đinh Văn Biên, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa cho biết, mấy năm trước, cả bấp bênh, có lúc cau chín rụng vàng gốc không ai mua, bà con chặt phá trồng keo. Cau lên giá liên tục nên ai cũng tiếc rẻ, giờ mọi người bắt đầu ươm giống trồng trở lại.
 
Trước hiện tượng giá cau tăng kỷ lục, huyện Sơn Tây vẫn không có chủ trương khuyến khích bà con mở rộng diện tích hay đưa vào danh mục cây chủ lực của huyện, vì tính không bền vững.
 
Những năm gần đây, thương lái Trung Quốc có phương thức mua các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta rất lạ. Từ việc đẩy giá lên “đỉnh”, khuyến khích nông dân nuôi, trồng đại trà rồi dừng mua đột ngột, đến mua tận cây non, quả non, sinh vật ngoại lai có hại.
 
Thương lái Việt bỏ tiền ra ôm hàng rồi khóc ròng vì thương lái Trung Quốc lặn mất tăm. Đây là chiêu trò không mới, vì thế, thương lái Việt và người dân phải hết sức tĩnh táo để không phải gánh hậu quả nặng nề.
 
 
Bài, ảnh: C.P
 
 

.