Hết lòng vì người dân

09:11, 25/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Trong mưa bão, họ sẵn sàng xông pha, đến những vùng ngập sâu, nguy hiểm để tiếp tế, cứu người. Và khi cơn bão lịch sử qua đi thì họ vẫn tiếp tục san sẻ, mang hàng quà cứu trợ đến trao tận tay người dân vùng lũ. Họ là những cán bộ mặt trận, hội chữ thập đỏ ở cơ sở, chẳng ngại "đội mưa, cõng gió", bám lấy làng xóm, hết lòng vì người dân quê mình dù cơn bão đã đi qua.
[links()]
Trong mùa mưa bão năm nay, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) là một địa phương có hơn 80% các hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nặng đầu tiên khi có mưa lớn, do vị trí nằm ở vùng hạ lưu, trũng thấp, sát sông Trà Bồng.
 
Từ sau cơn bão số 9, cho đến những cơn bão số 10, số 13, xóm Đồng Min ở đây vẫn còn bị cô lập. Người bên này đứng nhìn qua, người bên kia ngóng lại trong thấp thỏm, lo âu. Chỉ hôm nào trời yên, nước dần rút, những chuyến hàng cứu trợ mới mang đến được cho bà con khi ghe thuyền có thể qua lại dễ dàng.
 
Trong những chuyến đi ấy, người ở thôn luôn thấy hình ảnh của một người đàn ông trạc ngoài 60 tuổi, nhanh nhảu, "miệng bằng tay, tay bằng miệng", luôn bận rộn để hướng dẫn, kết nối mạnh thường quân với người dân. Ông là Đoàn Hanh, từng là Phó Chủ tịch xã Bình Dương và giờ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã. Trên chiếc thuyền hướng về thôn, giọng ông át đi trong mưa gió.
 
Các lực lượng tại chỗ ở xã Bình Dương, cùng các mạnh thường quân hỗ trợ người dân ở xóm Đồng Min.
Các lực lượng tại chỗ ở xã Bình Dương hỗ trợ mang quà cứu trợ của mạnh thường quân đến người dân ở xóm Đồng Min.
Suốt thời gian qua, ông chẳng ngại sức khỏe yếu, tuổi cao, cái bụng đói, đi sớm về khuya trong thời gian dài. Những ngày sau bão, ông vẫn tiếp cùng các lực lượng tại chỗ ở địa phương, hỗ trợ khắc phục những thiệt hại của cơn bão, mang vác những phần quà nặng vài chục ký của mạnh thường quân để trao tặng cho bà con.
 
"Cuộc sống trong và sau cơn mưa bão rất vất vả. Chúng tôi đợi từng ngày để tiếp cận, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng cô lập. Nếu đến kịp thời, bà con sẽ vui vẻ lắm", ông vui vẻ nói rồi tiếp tục với những chuyến hàng cứu trợ.
 
Người dân ở vùng cô lập Đồng Min nhận quà hỗ trợ sau bão.
Người dân ở vùng cô lập Đồng Min nhận quà hỗ trợ sau bão.
 
Ngược về với một ốc đảo khác ở đội 11, thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành). Hơn nữa tháng qua, hơn 40 hộ dân ở đội 11 dường như bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Vài ngày sau khi những cơn bão qua đi, mưa ngớt dần, trời nắng ráo hơn nhưng không làm bước chân của ông Nguyễn Văn Hưng, 60 tuổi ngừng nghỉ.
 
Ông là một cán bộ truyền thanh bán chuyên trách của xã, kiêm luôn công tác mặt trận của thôn Xuân Vinh. Hơn 15 năm công tác ở địa phương, ông nắm rất rõ về đời sống của người dân quê mình.
 
Nhớ lại những ngày sau cơn bão lịch sử số 9, khi khắp nơi mất điện trên diện rộng, người dân không có nước để sử dụng, đời sống gặp khó khăn. Việc cập nhật tin tức hằng ngày trở nên "mù tịt”, trong khi đó tình hình mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp.
 
Khi không có điện, việc cập nhật thông tin trở nên khó khăn, ông Hưng đã nghĩ ngay đến việc tự chế một xe máy tuyên truyền lưu động, gắn loa phát thanh vào bình điện của xe máy.
Khi không có điện, việc cập nhật thông tin trở nên khó khăn. Ông Hưng đã nghĩ ngay đến việc tự chế một xe máy tuyên truyền lưu động, gắn loa phát thanh vào bình điện của xe máy.
 
Lo sợ người dân không kịp thời ứng phó, ông đã nghĩ ngay sáng kiến làm xe truyền thanh lưu động bằng cách chia điện với xe máy, di động đi đến từng thôn, xóm để tuyên truyền cho bà con. Nhờ thế mà công tác phòng, chống bão lụt ở địa phương luôn được ứng phó nhanh, lẹ, đảm bảo an toàn và tiết kiệm được kinh phí. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường sau bão lũ đến nay vẫn được ông tuyên truyền thường xuyên.
 
"Người dân ở vùng bão lũ khốn khổ trăm bề. Nào thiếu cái ăn, cái mặc khi tránh lũ, rồi hạt giống, vật nuôi, của cải vật chất hư hại, cuốn trôi theo mưa bão. Khi lũ rút, bão qua đi thì gập lưng lo dẹp nhà cửa để yên ổn cuộc sống. Nhà cửa của ông Hưng cũng thiệt hại đáng kể. Thế nhưng, vượt lên chính mình, ông sẵn sàng gác việc riêng để lo việc chung", Phó Chủ tịch xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải đã nói như thế về ông Hưng.
 
Sau lũ, ông tất bật, hối hả, xông pha để cứu trợ người dân. Toàn thôn Xuân Vinh có khoảng hơn 800 hộ dân thì đến nay đã có trên 50% hộ bị thiệt hại bởi bão lũ đã được nhận quà hỗ trợ. Không ít trường hợp không thể đến nhận quà, ông lặn lội mang về cho từng nhà.
 
Những người như ông Hanh, ông Hưng chẳng ngại đường sá xa xôi, khó khăn, trở ngại, hay trở ngại gia đình. Họ chỉ lo người dân không đồng lòng, thấu hiểu và sẻ chia.
 
Quà, tiền hỗ trợ có giới hạn trong khi người sự mong đợi của người dân lớn vì năm nay thiệt hại quá lớn. Lũ lụt thì còn giới hạn trong một vùng thiệt hại, còn bão thì hầu hết ai cũng bị, người giàu cũng trở thành nghèo trong chốc lát. Bởi thế nên việc xác định mức thiệt hại các hộ gia đình một cách chính xác để hỗ trợ rất quan trọng. Ông luôn phân phối hàng từ thiện một cách khoa học để không chênh lệch nơi nhiều, nơi ít và không ai bị bỏ lại phía sau.
 
"Không phải ai cũng thấu hiểu. Các suất quà từ các đoàn cứu trợ cũng không có giống nhau. Chỉ mong người nhận rồi thì nhường cho người sau. Người nhẹ hơn nhường cho người nặng hơn.  Mình phải làm việc cho thấu tình đạt lý mới thuyết phục được người dân, mới khiến họ tâm phục, khẩu phục được", ông Hưng chia sẻ.
 
Ông Hưng nhiệt tình đến từng nhà hộ dân để tìm hiểu về tình hình thiệt hại và trao quà cho bà con.
Ông Hưng nhiệt tình đến từng nhà hộ dân để tìm hiểu về tình hình thiệt hại và trao quà cho bà con.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Hoàng Hiệp, tính đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã huy động, tiếp nhận được khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ người dân vùng bão lũ. Những ngày qua, với vai trò, trách nhiệm của của mình, khoảng 160 cán bộ, hội viên của hội ở cơ sở đã bám sát địa bàn để hỗ trợ người dân kịp thời khắc phục thiệt hại mưa bão.
 
Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ, thông qua lời kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, người lao động, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đến nay mặt trận tỉnh đã vận động được hơn 74 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã vào quỹ hơn 17 tỷ đồng, cùng nhiều phần quà khác để người dân khắc phục cơn bão số 9.
 
"Mặt trận và các thành viên ở cơ sở đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương để tiếp nhận và phân bổ nguồn kinh phí, hàng viện trợ kịp thời, đúng đối tượng. Họ đã luôn gắn liền với trách nhiệm làm cầu nối với nhà tài trợ, phân bổ đều nguồn kinh phí, quà tiếp nhận...", ông Thọ nhấn mạnh. 
 
Bài, ảnh: X.Y
 

.