Cần có cơ chế "giữ chân" bác sĩ

08:09, 17/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bác sĩ ở bệnh viện (BV) công xin nghỉ việc để chuyển ra làm tại cơ sở y tế tư nhân đang là thực trạng diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Nếu không có giải pháp kịp thời, việc thiếu hụt nhân lực y tế ở các BV là điều khó tránh khỏi, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
TIN LIÊN QUAN

Thiếu hụt bác sĩ

Theo thống kê của Sở Y tế, tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở BV công để chuyển sang làm tư nhân hoặc xin chuyển công tác gia tăng thời gian qua. Năm 2018, toàn tỉnh có 14 bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, nhiều nhất là ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.
Bác sĩ nghỉ việc nhiều, khiến một số khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh gặp khó khăn.
Bác sĩ nghỉ việc nhiều, khiến một số khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh gặp khó khăn.
Từ năm 2013 đến nay, BVĐK tỉnh có 16 trường hợp bác sĩ nghỉ việc, đa số là bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn sâu. “Trong 8 tháng 2019, BV có 5 bác sĩ nghỉ việc. Hiện có 2 bác sĩ xin nghỉ hưu trước tuổi, nhưng xét thấy chưa đáp ứng các điều kiện xét duyệt nên BV chưa giải quyết”, Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Ngọc Lân cho biết.

Theo ông Lân, nếu tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc vẫn tiếp diễn, thì BV sẽ thiếu hụt bác sĩ trầm trọng ở một số khoa, phòng. Như Khoa Tim mạch từ 20 bác sĩ, hiện chỉ còn 15 bác sĩ do nhiều bác sĩ đã nghỉ việc. Trong khi đó, khoa mỗi ngày tiếp nhận điều trị nội trú cho hơn 200 bệnh nhân. Ngoài ra, còn phải điều tiết bác sĩ trực ở phòng khám bệnh ngoại trú mỗi ngày 2 bác sĩ và điều động lãnh đạo khoa khám ở khu trung cao. Phòng khám quá tải bệnh nhân/bác sĩ theo quy định, nên bị BHXH xuất toán.

Không chỉ ở Khoa Tim mạch, mà ở một số khoa khác thuộc BVĐK tỉnh cũng đang gặp khó do thiếu bác sĩ.  Mỗi ngày BV tiếp nhận và điều trị trên 1.000 bệnh nhân, trong khi đó hiện chỉ còn gần 170 bác sĩ.

Đâu là nguyên nhân?

Trưởng phòng Tổ chức (Sở Y tế) Lê Huy cho biết: Chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế đã dừng hai năm nay, cùng với đó chính sách đào tạo liên thông cũng không thực hiện theo chủ trương của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo theo địa chỉ 2 năm gần đây cũng không triển khai được, do quy định điểm sàn chung giữa các trường. Do vậy, về lâu dài ngành y tế sẽ thiếu hụt bác sĩ không chỉ ở tuyến tỉnh, mà tuyến huyện, xã cũng sẽ thiếu, vì nhiều bác sĩ lớn tuổi sắp nghỉ hưu.

Lý giải về nguyên nhân bác sĩ nghỉ việc ở BV công, theo Sở Y tế, có hai vấn đề đó là thu nhập và môi trường làm việc. Tiền lương và phụ cấp trả cho bác sĩ ở BV tư nhân hiện cao gấp 5 - 6 lần so với BV công. Hơn nữa, các cơ sở y tế công lập, nhất là BV tuyến tỉnh quá tải bệnh nhân; số lượt bệnh nhân khám, điều trị/ngày cao, tần suất làm việc liên tục nên bác sĩ gặp rất nhiều áp lực...

“Thu nhập từ BV công lập chỉ đủ để trang trải những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hằng ngày. Làm việc ở BV tư có sự đãi ngộ xứng đáng, vị trí việc làm tốt và có cơ hội nâng cao tay nghề, lại có thu nhập cao, nên thu hút được các bác sĩ”, một bác sĩ ở BV tư nhân chia sẻ.

Để giữ chân được bác sĩ, trước khi có những chính sách căn cơ, lâu dài, thì việc đầu tiên là các BV công lập cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo môi trường làm việc phù hợp để các bác sĩ phát huy tối đa chuyên môn được đào tạo; đảm bảo các chế độ, chính sách, tăng thu nhập cho cán bộ y, bác sĩ...

Cần thay đổi chính sách tiền lương, thu hút nhân tài

Theo Trưởng phòng Tổ chức (Sở Y tế) Lê Huy, Nhà nước cần có chính sách cải cách tiền lương, tăng thu nhập đối với nhân lực y tế công lập, bởi hiện nay thu nhập của cán bộ, y, bác sĩ còn thấp. Chính phủ cũng nên sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5.12.2017, về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Vì theo nghị định này, việc thu hút sinh viên y khoa về tuyến tỉnh phải đạt loại xuất sắc là rất khó.

 Bài, ảnh: KN


.