Tìm giải pháp để "giữ chân" bác sĩ

02:11, 12/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây vài năm, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có chính sách ưu đãi thu hút được nhiều sinh viên các trường y dược tốt nghiệp loại khá, giỏi về công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra đối với ngành y tế Quảng Ngãi hiện nay là câu chuyện làm thế nào để “giữ chân” bác sĩ, khi mà thời gian qua có nhiều bác sĩ xin nghỉ việc, hoặc tự ý bỏ việc, trong đó có cả những bác sĩ diện thu hút trước đây của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Đó là thực trạng hết sức đáng lo ngại, nếu không kịp thời có giải pháp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân và việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

 

 Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang thiếu bác sĩ chuyên môn sâu tại một số khoa.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang thiếu bác sĩ chuyên môn sâu tại một số khoa.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 15 trường hợp/200 bác sĩ diện thu hút nghỉ việc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 6 bác sĩ, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh: 4 bác sĩ... Trong khi đó, quy định các bác sĩ diện thu hút phải cam kết cống hiến từ 5-10 năm.

Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 11 trường hợp bác sĩ nghỉ việc (5 bác sĩ, 2 bác sĩ CKI, 4 thạc sĩ y học). Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đặng Thùy Trâm cũng có 1 tiến sĩ chuyên môn sâu nghỉ việc. Theo nhiều bác sĩ, nguyên nhân khiến họ nghỉ việc là do mức lương thấp, môi trường làm việc quá nhiều áp lực, thiếu chế độ đãi ngộ xứng đáng...


Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Báy: "Ngoài chính sách đãi ngộ của tỉnh, lãnh đạo các bệnh viện cũng phải suy nghĩ "
 

Để tạo điều kiện cho bác sĩ ở các bệnh viện công lập yên tâm công tác, thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện Quyết định 06 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ cho bác sĩ công tác tại các bệnh viện (ngoài diện thu hút). Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất là 2,0 mức lương cơ sở/tháng đối với bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo và thấp nhất là 0,7 mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn giao quyền tự chủ cho các bệnh viện để có điều kiện tăng thu nhập cho cán bộ, y, bác sĩ.

Năm 2017, Sở Y tế cũng tạo điều kiện cho các bác sĩ đi đào tạo chuyên môn sâu. Để đảm bảo ổn định đời sống cho số bác sĩ này, ngoài mức lương được hưởng, bác sĩ được cử đi đào tạo được hưởng thêm 10 triệu đồng/tháng để yên tâm học tập. Trường hợp nào bỏ việc sau khi cử đi học thì phải trả lại chi phí đào tạo.

Việc một số bác sĩ chuyên môn sâu nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở bệnh viện tư nhân có mức thu nhập cao so bệnh viện công xảy ra không chỉ riêng ở Quảng Ngãi. Do đó, các bệnh viện công lập cần phải suy nghĩ để đưa ra những giải pháp đãi ngộ thích đáng, nhằm "giữ chân" bác sĩ giỏi; đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút bệnh nhân, tăng nguồn thu cho đơn vị, giúp các bác sĩ có thu nhập, yên tâm công tác.
 

 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phạm Ngọc Lân: "Cần tăng mức đãi ngộ cho bác sĩ giỏi, có chuyên môn sâu"

Khó khăn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay là thiếu nguồn lực bác sĩ chuyên khoa sâu. Một số bác sĩ chuyên môn sâu xin nghỉ việc, hoặc tự ý nghỉ việc, nên ảnh hưởng đến hoạt động ở một số khoa, trong đó có Khoa Chấn thương chỉnh hình và Khoa Chẩn đoán hình ảnh...

 
Đây là những bác sĩ giỏi, nên được các bệnh viện tư nhân chào đón, với nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Giải pháp được Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa ra để "giữ chân" bác sĩ là, bác sĩ về công tác ở các khoa cấp cứu, nội, ngoại thần kinh, khoa lây... được thưởng 50 triệu đồng; riêng khoa cấp cứu sẽ tăng thêm 2,0 lần lương cơ sở.
 
Thời gian đến, bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các bác sĩ có thâm niên công tác để ổn định thu nhập; tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên môn sâu, giảm áp lực cho bác sĩ ở các khoa quá tải bệnh nhân.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nguyễn Thanh Quang Vũ: "Môi trường làm việc cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân bác sĩ"

Là bệnh viện chuyên chăm sóc người bệnh tâm thần, nên các y, bác sĩ ở đây rất vất vả. Vì thế, lãnh đạo bệnh viện luôn tạo môi trường làm việc thoải mái cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng. Trong 5 năm qua, bệnh viện không có trường hợp bác sĩ nghỉ việc; thu hút được 4 bác sĩ trẻ về công tác; tiếp nhận 1 dược sĩ, 4 bác sĩ ở các bệnh viện, trung tâm y tế chuyển về. Ngoài việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các bác sĩ, hằng năm, bệnh viện còn tổ chức gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các y, bác sĩ, nhằm tạo môi trường làm việc tốt nhất.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Sơn Mai Hữu Hậu: "Cần luân phiên cử bác sĩ giỏi ra đảo công tác"

Trước đây, Lý Sơn có 3 bác sĩ nghỉ việc. Để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, trung tâm đã tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân. Tuy nhiên, hiện tại trung tâm vẫn đang thiếu bác sĩ có chuyên môn sâu, nhưng lại không thu hút được bác sĩ về huyện công tác. Theo tôi, Sở Y tế cần luân phiên cử bác sĩ có chuyên môn ra công tác tại Lý Sơn, để trung tâm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kịp thời cấp cứu người bệnh vào mùa mưa bão, khi tàu thuyền không vào được đất liền.

Bác sĩ Trương Văn Đại (Trung tâm Y tế huyện Tây Trà): "Tạo điều kiện để bác sĩ phát huy năng lực"

 Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi đều mong muốn được làm việc trong môi trường thuận lợi, đảm bảo cuộc sống, có điều kiện để phát huy năng lực. Tôi  về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tây Trà theo chính sách thu hút của tỉnh. Mặc dù điều kiện công tác ở miền núi gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi cùng với đồng nghiệp vẫn luôn cố gắng để chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân. Theo tôi, các bác sĩ công tác ở miền núi cần  được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn; có chính sách đãi ngộ, khuyến khích xứng đáng hơn, để chúng tôi ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó lâu dài với vùng cao.
 

Kim Ngân
(thực hiện)



 

 


.