Cho vay xây dựng nhà ở theo Quyết định 33, 48 của Chính phủ:
Vốn bị "treo", vì định mức vay quá thấp

02:07, 26/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo đề án, đối tượng tham gia đăng ký vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định 33, 48 của Chính phủ là rất lớn. Tuy nhiên, do định mức vay quá thấp, nên nhiều người không vay, làm cho nguồn vốn giải ngân chậm.

TIN LIÊN QUAN


Tỷ lệ giải ngân thấp  

Theo đề án ban đầu, toàn tỉnh có 6.120 hộ thuộc diện đối tượng hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện tại theo Quyết định 33 của Chính phủ. Việc cho vay được triển khai theo từng giai đoạn. Từ năm 2016 - 2020, tổng số vốn cần để thực hiện đề án là 294,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi tín dụng 153 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác, như huy động từ Quỹ người nghèo, từ người dân, doanh nghiệp...

 

Chỉ dựa vào vốn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nên anh Hồ Văn Thái, xã Trà Phong (Tây Trà) chỉ có thể sửa chữa tạm ngôi nhà.
Chỉ dựa vào vốn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nên anh Hồ Văn Thái, xã Trà Phong (Tây Trà) chỉ có thể sửa chữa tạm ngôi nhà.


Theo kế hoạch, năm 2018 đề án tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 6.2018, toàn tỉnh mới chỉ cho 109 khách hàng vay, với doanh số trên 2,7 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều huyện đồng bằng từ đầu năm đến nay chưa giải ngân, hoặc giải ngân khá ít.

Đơn cử như huyện Bình Sơn được Ngân hàng CSXH tỉnh phân bổ 700 triệu đồng, tương ứng với 28 hộ vay; huyện Nghĩa Hành phân bổ 300 triệu đồng cho 12 hộ vay... nhưng đến nay vẫn chưa thể giải ngân. Riêng huyện Tư Nghĩa được phân bổ 525 triệu đồng, tương đương vốn cho 21 hộ vay, nhưng cũng mới chỉ giải ngân được 100 triệu đồng. Nguyên nhân là do ngoài nguồn vốn vay 25 triệu đồng, người vay không được hỗ trợ thêm từ các nguồn khác giống như xây dựng nhà ở 167 giai đoạn 1. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã làm nhà, nên không cần đến vốn vay...

Vốn gia hạn vẫn “vướng”

Nằm trong vùng duyên hải miền Trung, có bờ biển dài 130km, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, hỗ trợ người dân xây dựng nhà tránh lũ lụt không chỉ giúp cho dân đảm bảo an toàn tính mạng, mà còn giúp người dân bảo quản được tài sản của mình.

Xuất phát từ thực tế trên, Quảng Ngãi đã xây dựng Đề án hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ cho hơn 3.300 căn nhà, từ 2014 - 2016. Song, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh mới xây dựng được hơn 1.000 căn nhà tránh bão lũ (30% kế hoạch). Để người nghèo vùng lũ tiếp tục được hưởng chính sách trên, năm 2018, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ngân hàng CSXH tỉnh đã đề xuất xin Trung ương tiếp tục gia hạn vốn và phân bổ cho các địa phương để các đối tượng thuộc đề án trước đó có thể vay vốn làm nhà. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người dân ven biển nâng cao khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, Quỹ Khí hậu xanh cũng đã viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hơn 2,9 tỷ đồng cho Quảng Ngãi triển khai xây dựng 77 ngôi nhà phòng, tránh lũ lụt cho các địa phương ven biển.

Dù vậy, đến cuối tháng 6.2018, trừ một số địa phương không có nhu cầu phân khai vốn từ đầu thì chỉ có huyện Bình Sơn giải ngân cho 39 hộ, với 585 triệu đồng và Đức Phổ giải ngân cho 1 hộ vay được 15 triệu đồng. Nguyên nhân, do cán hộ có nhu cầu vay cho rằng, số tiền vay và hỗ trợ của Nhà nước 30 triệu đồng là quá ít, không đủ để làm nhà.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi xây dựng đề án, chọn đối tượng thụ hưởng, chính quyền xã, phường đã không giải thích rõ ràng về điều kiện, cũng như mức vay và chính sách hỗ trợ. Vì thế, đến khi có vốn, triển khai cho vay mới bộc lộ nhiều vướng mắc.

Đối tượng được chọn vay vốn theo Quyết định 33 thì chỉ được  vay 25 triệu đồng và không có nguồn hỗ trợ khác; còn đối tượng được chọn cho vay theo Quyết định 48 thì được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và vay 15 triệu đồng, trong khi hầu hết các hộ nằm trong đề án đều thuộc diện khó khăn. Chính vì thế, việc giải ngân hai nguồn vốn trên vẫn còn thấp.

Bài, ảnh: HỒNG HOA 

 


.