Quy định phòng, chống cháy nổ cho tàu cá: Luật còn nhiều bất cập

07:03, 24/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thiệt hại do cháy tàu cá gây ra là rất lớn. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho loại tàu này khi áp dụng vào thực tế còn nhiều bất cập.

TIN LIÊN QUAN

Thiệt hại lớn

 Rạng sáng 16.2.2017, tàu cá mang số hiệu QNg 95078 TS, công suất trên 700CV của gia đình chị Trần Thị Kim Phụng, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) khi đang neo đậu tại Cảng Sa Kỳ thì bốc cháy. Hậu quả, hàng nghìn lít dầu, ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày và phần lớn con tàu bị thiêu rụi, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng cho chủ tàu. Đây chỉ là một trong nhiều vụ cháy tàu cá gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy tàu cá, làm cháy hoàn toàn 4 tàu, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 12 tỷ đồng.

 

Nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng công tác PCCC.
Nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng công tác PCCC.

Nguyên nhân do trên tàu chứa nhiều chất dễ cháy như can nhựa, gỗ, mút xốp, dầu, khí gas hoặc do sự cố thiết bị điện... cộng với sự chủ quan, mất cảnh giác, không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC của con người... Bên cạnh đó, quy định của pháp luật trong công tác PCCC đối với tàu cá còn nhiều sơ hở, bất cập. Thượng tá Võ Việt Dũng - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết: “Qua công tác khám nghiệm hiện trường các vụ cháy tàu cá trên địa bàn tỉnh cho thấy, sự cố về điện là nguyên nhân chính gây cháy tàu. Thực tế, bà con ngư dân thường chủ quan trong việc lắp đặt và sử dụng điện, nên nguy cơ cháy nổ tàu cá là rất lớn”.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.500 tàu cá, hầu hết thân tàu được làm bằng gỗ. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền PCCC, vận động các chủ tàu, người điều khiển tàu, người phục vụ trên tàu thủy tham gia huấn luyện PCCC; vận động chủ tàu trang bị phương tiện chữa cháy cho tàu. Cảnh sát PCCC tỉnh cũng đã cấp phát 10.000 khuyến cáo, 3.000 sổ tay PCCC cho chủ tàu khai thác cá và ngư dân; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC đối với các loại tàu, tại cảng cá Sa Huỳnh, Sa Kỳ và vũng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, Tịnh Hòa...

Quy định pháp luật còn bất cập

 Thiệt hại do cháy tàu cá gây ra là rất lớn, nhưng những quy định của pháp luật về công tác PCCC cho loại tàu này chưa được chặt chẽ. Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật PCCC; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 66/2014/TT-BCA của Bộ Công an thì chưa có văn bản nào quy định về công tác quản lý về PCCC đối với các loại tàu khai thác cá. Vì không có chế tài để xử lý, nên Cảnh sát PCCC tỉnh chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về PCCC trên tàu cá cho ngư dân là chủ yếu.

Đáng chú ý là, khi xảy ra hỏa hoạn, việc chữa cháy tại chỗ ban đầu còn bị động, vì hầu như các chủ tàu cá đều không trang bị phương tiện chữa cháy trên tàu cá. Ngư dân Đặng Văn Tú ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đang sở hữu 2 chiếc tàu đánh cá trị giá bạc tỷ, nhưng công tác PCCC trên tàu rất sơ sài, nguy cơ cháy nổ trên tàu cá luôn tiềm ẩn. Sau hàng chục năm đánh bắt, cả hai chiếc tàu cá của ông Tú vẫn không được trang bị các thiết bị PCCC như bình chữa cháy để phòng khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

 Trước những thiệt hại rất lớn do cháy tàu cá gây ra, việc trang bị các phương tiện PCCC trên tàu cá là rất cần thiết, nhằm bảo vệ tài sản và con người khi hoạt động đánh bắt trên biển. Việc tập huấn nghiệp vụ PCCC cũng cần được cơ quan chức năng triển khai cho ngư dân để giúp ngư dân chủ động ứng phó với các tình huống cháy nổ; kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC đối với tàu cá.


 Bài, ảnh: NG.TRIỀU



 


.