Nhiều công trình thủy lợi cần vốn để sửa chữa

10:09, 30/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn huyện Sơn Tây có hàng chục công trình thủy lợi được đầu tư để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Những công trình thủy lợi “chết yểu”

Theo thống kê của UBND huyện Sơn Tây, từ năm 2000 đến nay, toàn huyện đã đầu tư tổng cộng 43 công trình thủy lợi, với hơn 37,4km đường kênh dẫn nước chính về các chân ruộng nhằm phục vụ tưới tiêu cho khoảng 317ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện có 9 công trình đang “chết yểu” và nhiều công trình khác hoạt động kém hiệu quả, không phát huy hết công năng thiết kế.
 
 Đập thủy lợi Nước Trên, xã Sơn Dung hư hỏng nghiêm trọng.
Đập thủy lợi Nước Trên, xã Sơn Dung hư hỏng nghiêm trọng.


Tại công trình đập thủy lợi Nước Trên (Sơn Dung), ngay từ con đường bê tông dẫn vào khu tái định cư Nước Lang, là hệ thống ống dẫn nước bằng thép gỉ sắt nằm phơi nắng dầm mưa, đoạn thì được “băng bó” bằng ống nhựa, đoạn thì vùi sâu dưới lớp đất.

Dẫn chúng tôi tìm đến chân đập, một cán bộ xã Sơn Dung cho biết, đã lâu rồi công trình này không còn hoạt động. Men theo con suối nhỏ vào đến thân đập, chúng tôi thấy hiện trạng công trình bị bỏ hoang nhiều năm, cây dại mọc um tùm. Khe phay ngăn nước và lưới chắn rác hư hỏng hoàn toàn, đất, đá lấp đầy. Còn các tuyến kênh tưới và công trình trên kênh cũng hư hỏng nặng.

Tương tự là đập thủy lợi Ka Lớt (Sơn Bua), con đường dẫn vào đập chính là băng rừng. Tại nơi được cho là đập chính không ai nghĩ đó là một công trình thủy lợi bởi mọi thứ đã hư hỏng ngoại trừ những khối bê tông nằm trơ trọi giữa rừng. Khu vực thượng lưu đập và hố thu nước, cát, sỏi bị bồi lắng nặng.

Không chỉ hai công trình trên, mà nhiều công trình thủy lợi khác cũng rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” như đập thủy lợi Tà Vôi, đập Nước Ray (xã Sơn Mùa); Măng Kẻ (Sơn  Long); Nước Reo (Sơn Lập); Nước Ra (Sơn Tinh)...

Không có kinh phí sửa chữa

Lý giải việc các công trình thủy lợi hoạt động kém hiệu quả, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Đạo cho rằng, do các công trình trên được đầu tư xây dựng lâu năm, kinh phí duy tu bảo dưỡng hạn chế, nên nhanh chóng xuống cấp, dù năm nào huyện, xã cũng huy động nhân dân nạo vét, thông luồng.

“Nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các công trình hư hỏng và không hoạt động được là do địa hình chủ yếu là đồi dốc, thời tiết diễn biến thất thường, mưa lớn là nước dồn về các con suối với lưu lượng lớn cuốn theo đất đá, cây rừng chắn thân đập, dẫn đến các công trình nhanh chóng hư hỏng. Nhiều hệ thống van, phay hay lưới chắn rác bị lũ cuốn trôi và bồi lấp nặng” – ông Đạo nói.

Việc các công trình thủy lợi được đầu tư tiền tỷ, nhưng hoạt động kém hiệu quả, không đưa được nước về chân ruộng dẫn đến người dân bức xúc, kiến nghị liên tục. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, cái khó là dù đã tiếp nhận kiến nghị của người dân, đã đi khảo sát nắm tình hình và trong các cuộc họp đã đưa ra phương án khắc phục, nhưng huyện không  tìm đâu ra kinh phí để sửa chữa, nên đành chấp nhận thực tại và chỉ khắc phục tạm thời như vận động người dân nạo vét, khơi thông dòng chảy.

“Trước mắt để khắc phục 9 đập thủy lợi bị hư hỏng nặng nhất cần số tiền khoảng 5,9 tỷ đồng. Trong khi ngân sách huyện thì không thể, vì hầu hết kế hoạch vốn đã được bố trí cho các dự án trung và dài hạn. Do đó, để sớm khắc phục và đưa nước về các chân ruộng, giải tỏa bức xúc của người dân, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện có cơ sở lập kế hoạch khắc phục”, ông Ven kiến nghị.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.