Vững vàng trên mặt trận mới

06:07, 30/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trở về cuộc sống thời bình với cơ thể không còn lành lặn, họ đã vượt qua trở ngại để chiến thắng số phận. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn có những nghĩa cử cao đẹp hướng về đồng đội cũ.
Họ là vợ chồng ông Nguyễn Văn Mậu và bà Phạm Thị Huyền, ngụ ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh). Cả hai từng là bộ đội, tham gia chiến đấu ở đơn vị C17, Quân khu 5 chiến trường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
 
Góp gió thành bão
 
Ở tuổi ngoài 60, vợ chồng ông Mậu đều là thương, bệnh binh với những phần thương tích không thể chữa khỏi. Tuổi cao, sức yếu vẫn không làm chùn bước tinh thần “bộ đội Cụ Hồ”.

 

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Mậu vẫn hăng say lao động
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Mậu vẫn hăng say lao động
 
Từ mảnh đất khô cằn ở đồi Gò Muồng, nhờ hai bàn tay trắng và đức tính cần cù, chịu khó, vợ chồng ông Mậu đã biến hơn 4.000 mét vuông đất trở thành một màu xanh bạt ngàn, mang lại giá trị kinh tế cho gia đình.
 
Từ năm 2014, cặp vợ chồng thương binh mạnh dạnh trồng hơn 250 gốc tiêu, trồng tre lấy măng xuất khẩu, nuôi cá lóc. Bằng quyết tâm của mình, đầu năm 2008, vợ chồng ông Mậu mạnh dạn nuôi  hơn 10 nghìn con gà và đầu tư 2 máy ấp trứng.
 
Hiện nay, ngoài chăn nuôi bò gia đình ông trồng 100 cây quýt thái, hiện đã ra 3 lứa quả với thu nhập hơn 60 triệu đồng và 3ha rừng cây keo. Thu nhập mỗi năm của gia đình lên đến hơn 300 triệu đồng. 
Nhớ về những ngày đầu mới xuất ngũ vào năm 1976, bà Huyền vẫn không kiềm được nước mắt. “Ngày đó trở về quê, nhà chẳng có mà ở. Hai vợ chồng che tạm vài tấm tranh làm lều ở. Cứ quần quật lao động, làm ngày, làm đêm. Rồi cũng đến ngày thoát được nghèo đói”- Bà Huyền xúc động kể.
 
Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng ông Mậu vào đúng dịp gia đình ông đang xây nhà. Ngôi nhà ấy khác hẳn những ngôi nhà ở gần đó, không chỉ vì được dựng nên với kinh phí đắt đỏ. Mà còn bởi, “Nhà nuôi yến đấy. Già rồi nhưng cũng phải tính toán, làm sao cho đồng tiền của mình không bị chôn chân. Bọn tui cứ góp gió miết rồi cũng thành bão nên phải nâng niu, trân trọng chứ”- ông Mậu mở lòng với những người khách lần đầu tiên gặp.
 
Thu về trái ngọt trên đất cằn, vợ chồng người thương binh Nguyễn Văn Mậu đã góp gió để tạo thành bão
Thu về trái ngọt trên đất cằn, vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Mậu đã có cuộc sống ổn định.
 
 
Hướng về đồng đội
 
Thoát khỏi đói nghèo với vợ chồng ông Mậu, bà Huyền là một điều kỳ tích khi nghĩ đến xuất phát điểm quá thấp. Nên khi ở vị thế mới, vợ chồng ông Mậu chẳng thể làm ngơ trước những hoàn cảnh khó khăn của bà con xóm làng.
 
Với những đồng đội đã từng cùng nhau “nếm mật nằm gai” ở những cánh rừng Trường Sơn thời chiến, ông Mậu, bà Huyền càng trân trọng và ra sức giúp đỡ. Cùng với niềm vui làm nhà mới, vợ chồng ông bà cũng đã tạo ra niềm vui lớn cho gia đình ông Lê Đình Của cùng ngụ ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà.
Ông Của- đồng đội từng chiến đấu cùng vợ chồng ông Mậu, dù đã khuất cách đây 1 năm, nhưng vì nhà nghèo khó, nên mộ phần chỉ đắp tạm mà không được xây kiến cố. Bà Phạm Thị Hòa- vợ ông Của suốt thời gian dài lâm vào cảnh nợ nần khi chồng mất, con bệnh tật.
 
Vợ chồng người thương binh già đã không cầm lòng trước hoàn cảnh éo le của đồng đội cũ. Ông Mậu cùng bà Huyền không ngại đường xa, liền đi khắp nơi để kêu gọi các đồng đội cũ đóng góp giúp đỡ gia đình ông Lê Đình Của.
 
Tháng 11.2015, ngôi mộ khang trang của ông Của được dựng nên với tấm bia ghi rõ họ tên của người đã khuất. Đó là kết quả cũng những ngày lặn lội ra tận Bắc Ninh, Hải Phòng… của vợ chồng ông Mậu. “Nhìn ngôi mộ của đồng đội được xây dựng kiên cố, chúng tôi mới thấy yên lòng”- bà Huyền thổ lộ.
 
Mộ phần của người đồng đội cũ khang trang đã thể hiện tấm lòng của cặp vợ chồng thương binh già
Mộ phần của người đồng đội cũ khang trang đã thể hiện tấm lòng của cặp vợ chồng thương binh già
 
 
Không chỉ thế, vợ chồng ông Mậu còn tích cực kêu gọi các đồng đội khác đóng góp số tiền 20 triệu đồng để giúp vợ ông Của và các con. Ngôi nhà vốn chờ sập nay đã được sửa lại. Con nghé mới - món quà ý nghĩa của các đồng đội cũ, trở thành vốn làm ăn của gia đình ông Của. Đó là tất cả tấm lòng của hai vợ chồng ông Mậu và các đồng đội ở phương xa.
 
Dù ở hoàn cảnh nào, thời chiến hay thời bình, với tấm lòng hướng thiện, vợ chồng ông Mậu, bà Huyền đã và đang phát huy cao tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, “lá lành đùm lá rách” một cách đầy ý nghĩa.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.