Đừng để rau an toàn bị mất niềm tin

09:05, 10/05/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trong số 20 cơ sở kinh doanh rau sạch, rau an toàn trên địa bàn tỉnh, hiện chưa có cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận sản phẩm rau an toàn mà chỉ có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm. Thế nhưng, các cửa hàng này vẫn treo bảng “bán rau an toàn” nhằm thu hút khách mỗi ngày.
Lo ngại trước thông tin thực phẩm bẩn tràn lan, nhất là sản phẩm rau có hóa chất, nhiều người tiêu dùng đã tìm đến các cửa hàng bán rau an toàn để chọn mua. “Giá đắt gấp 2-3 lần so với rau ở chợ, mẫu mã rau cũng không đẹp, nhưng vì nghe nói là rau được trồng theo chuẩn VietGap, không hóa chất nên tôi chọn mua cho an tâm”- Bà Trần Thị Thới ngụ phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi bày tỏ.
 
Đi kèm nhận định trên, bà Thới cũng có băn khoăn riêng về chất lượng rau ở các cửa hàng trưng bày bảng hiện bán rau an toàn. “Vì mình tin nên mới mua. Chứ nếu có cơ sở nào trà trộn rau ở ngoài chợ, hay rau không được trồng theo tiêu chuẩn sạch, an toàn thì người tiêu dùng làm sao biết được. Mình đâu có tới tận nơi sản xuất mà biết!”- Bà Thới nói thêm.

 

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm từ các cửa hàng trưng bảng bán rau an toàn với mong muốn được sử dụng sản phẩm chất lượng thật
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm từ các cửa hàng trưng bảng bán rau an toàn với mong muốn được sử dụng sản phẩm chất lượng thật.
 
 
Đây cũng là trăn trở của nhiều người tiêu dùng khi đến mua rau ở các cửa hàng trưng bảng hiệu rau sạch, rau an toàn. Bởi, khi bỏ tiền ra mua các sản phẩm này, họ luôn hướng đến sự bảo đảm về chất lượng từ một cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến hiện tại, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cũng chỉ mới cấp chứng nhận 16/20 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm, mà chưa cấp chứng nhận rau an toàn cho cơ sở nào trên địa bàn tỉnh.
 
Theo ông Võ Văn Kỹ- Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, cơ sở nào muốn được cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn thì cần phải đảm bảo các điều kiện theo văn bản hướng dẫn số 620 của Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT. Cụ thể như: Nguồn gốc sản phẩm, chất lượng sản phẩm và được kiểm định hằng tháng, đóng gói bao bì theo đúng quy chuẩn rau an toàn.
 
“Rau an toàn phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được sản xuất theo chuỗi từ lúc gieo trồng đến quản lý, thu hoạch. Rau an toàn khi ra thị trường phải được đăng ký kinh doanh và phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và được lấy mẫu kiểm định hàng tháng. Đây là trở ngại khá lớn bởi chi phí kiểm định rất cao, lên đến 1 triệu đồng/mẫu.”- ông Kỹ cho hay.

 

Mô hình sản xuất rau theo chuẩn VietGap
Mô hình sản xuất rau theo chuẩn VietGap.
 
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị sản xuất, kinh doanh rau theo tiêu chuẩn VietGap với khoảng 10 cửa hàng trưng bày, bán rau an toàn. Khâu gieo trồng, quản lý đến thu hoạch rau tại hai cơ sở này đã được kiểm định đạt theo tiêu chuẩn VietGap. Quy trình sản xuất rau không sử dụng hóa chất độc hại này khiến nhiều người tiêu dùng an tâm hơn trước “cơn bão” thực phẩm bẩn.
 
Tuy nhiên, để lấy được niềm tin tuyệt đối của người dân, cũng như hạn chế tình trạng rau ngậm hóa chất trà trộn với rau an toàn, gây hại cho sức khỏe, thì các cơ sở này cần phải có giấy chứng nhận sản phẩm rau an toàn khi đưa rau ra thị trường cũng như bày bán tại cửa hàng.
 
Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh đang bày bảng hiệu rau an toàn, với lời mời chào “nhập rau sạch, rau an toàn từ Đà Lạt” hay “rau chuẩn VietGap”. Nhưng chất lượng, nguồn gốc rau có thực như lời quảng cáo vẫn là vấn đề khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn.
 
Việc treo bảng hiệu “bán rau an toàn” của các cơ sở như hiện nay chưa phù hợp và dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội để những cơ sở kinh doanh rau trà trộn cả rau kém chất lượng để bán ra thị trường. Từ đó, những hệ lụy gây mất niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm rau an toàn đúng nghĩa sẽ có thể xảy ra.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.