Đoàn tụ sau 46 năm

08:04, 28/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 46 năm biệt tích, anh Nguyễn Sang, người sống sót và lưu lạc sau vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ vào ngày 18.4.1969 đã đoàn tụ với người thân nơi quê nhà.

Ngày thất lạc định mệnh

Theo lời kể của anh Sang thì sáng hôm đó, sau khi lính Mỹ vào làng đốt nhà, bắn giết trâu bò, heo gà, chúng dồn dân vào một cánh đồng, bảo lấy hết nón mũ xuống, rồi chúng bắt phơi nắng. Sau đó lính Mỹ bỏ đi, dân làng vội chạy vào hầm trốn. Thế nhưng đến trưa chúng quay lại, đến từng nhà lùng sục và chĩa súng, buộc mọi người lên trên rồi gom lại từng cụm và tiến hành bắn giết.

 

Anh Sang (thứ hai bên trái) kể lại những tháng ngày lưu lạc.
Anh Sang (thứ hai bên trái) kể lại những tháng ngày lưu lạc.


Sau nhiều loạt súng, xác người nằm dày trên ruộng lúa. Thấy vậy, nội vội lấy thân che chở cho anh Sang và em Liễu. Thế nhưng, sau nhiều phát súng và lựu đạn nổ, nội ngã xuống. Anh Sang hoảng quá cũng ngã theo. Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh Sang nhìn quanh và nghe thấy tiếng khóc của em Liễu (lúc đó mới 4 tuổi). Em Liễu bị thương ở tay, máu chảy ra nhiều. Cùng lúc đó, anh Sang thấy một người lớn tuổi hơn anh, thân hình đầy máu me – mà sau này nhớ lại là chị Nguyễn Thị Đa, cũng là một người sống sót trong vụ thảm sát. Chị Đa bảo “chạy bây”. Nhưng lúc đó em Liễu đang bị thương và kêu “em khát nước”. Do đó Sang không nỡ bỏ lại em một mình. Anh nhặt một cái bình đông và chạy đi kiếm nước cho em. Tuy nhiên, vừa chạy đi được mấy bước thì anh nghe có tiếng lính Mỹ. Anh vội nằm lẫn vào đống xác người. Vậy mà không hiểu sao lính Mỹ lại phát hiện ra anh và xách anh bỏ lên trực thăng, đưa về căn cứ Núi Vàng ở Đức Phổ. Sau đó anh được đưa đến cô nhi viện Đức Phổ.

Ở cô nhi viện Đức Phổ một thời gian, anh được đưa vào cô nhi viện ở Vũng Tàu. Anh được cha đạo người Pháp nhận nuôi và cho ăn học. Nhưng sau đó cha đạo về Pháp, anh Sang bắt đầu cuộc đời lang bạt ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Anh đi chăn bò, cày ruộng cho nhiều chủ để kiếm cơm. Thương cái thằng hiền lành, chăm chỉ mà tứ cố vô thân, một ông chủ tốt bụng đã gả con gái cho anh và cho đất cất nhà.  

Hành trình tìm kiếm quê hương

Trong những năm làm thuê, trong ký ức lờ mờ của mình, anh Sang nhớ, cha mình mất trước đó một hai năm, còn mẹ mình thì đi chợ nên không biết có bị giết không. Còn bé Liễu lúc đó bị thương... Rồi anh nghĩ phải tìm lại người thân và quê hương. Nhưng anh cảm thấy giận bản thân vì anh chẳng nhớ được tên làng, tên xóm mà chỉ nhớ được tên người thân trong gia đình.

Tình cờ trong một lần xem tivi, anh thấy đưa tin về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Anh chợt nghĩ: “Hay là mình quê ở Sơn Mỹ. Biết đâu về đó mình sẽ tìm được người thân và bà con chòm xóm”.

Thế là đầu năm 1989, anh khăn gói đón xe về Quảng Ngãi tìm về Sơn Mỹ. Bỏ ra mấy ngày ròng, anh đi từng nhà hỏi thăm có ai tên Thừa, con tên Liễu chết trong vụ thảm sát không. Nhưng đáp lại lời anh chỉ là những cái lắc đầu nên anh đành ngậm ngùi trở lại đất Bà Rịa.

Mặc dù vậy, tâm nguyện tìm được quê hương và người thân vẫn luôn nung nấu trong anh. Cho đến năm 2005, trên VTV có phát sóng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, anh hy vọng thông qua chương trình có thể tìm được người thân nên anh đã viết thư gửi đến chương trình. Thế nhưng, những thông tin ít ỏi mà anh cung cấp, khiến chương trình chưa thể hồi âm. Mãi đến năm 2014, chương trình có những thông tin vắn tắt của anh Sang tìm mẹ tên Thừa, em tên Liễu bị thương trong một vụ thảm sát...

May mắn thay, chị Lê Thị Mận là chị con bạn dì với anh Sang đang sống ở Quận 6, TP. Hồ Chí Minh xem được. Chị Mận kể: “Khi nghe đọc đến cái tên đó, tôi giật mình và hét lên: Thằng Sang còn sống”. Và ngay ngày hôm sau, chị đã tìm đến Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh để thông tin cho chương trình biết.

Cuộc đoàn viên xúc động

Về phần anh Sang, sau khi có thông tin chính xác, anh được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” mời đến nhận người thân. Anh Sang nghĩ, gặp mẹ và người thân, mình sẽ đưa cả nhà về quê, nên anh thuê hẳn một chiếc xe lên đón mẹ. Nhưng có ngờ đâu, lên đến Đài truyền hình anh mới hay tin mẹ anh đã mất năm 2012. “Tìm thấy người thân tôi mừng không thể tả nổi, nhưng tôi cũng buồn vô cùng vì ước vọng bao nhiêu năm mong được gọi tiếng mẹ, vậy mà đến khi tìm được thì mẹ đã không còn nữa. Phải chi tôi tìm được mẹ sớm hơn thì hạnh phúc biết nhường nào”, nói đến đó, giọng anh Sang lạc đi, đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ…

Sau khi thắp nén hương lên bàn thờ mẹ ở nhà người em gái, anh Sang cùng người thân ra khu vực thảm sát. Tay run run đốt hương thắp trên ngôi mộ chôn chung người làng trong vụ thảm sát, anh Sang thì thầm: “Nội ơi, em ơi, bà con ơi! Cuối cùng con cũng đã được về với nội, với em, với quê hương và bà con chòm xóm sau bao năm cách xa...”
 

Nhật Uyên
 


.