Gánh cực nhọc trên đôi vai gầy

09:10, 05/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- 63 năm qua, bà Trần Thị Nguyện ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh đã hy sinh cả cuộc sống riêng của bản thân để phụng dưỡng mẹ già và nuôi cô em gái tật nguyền. Cuộc sống khó khăn vất vả, sự hy sinh cao cả của bà càng khiến nhiều người xúc động và cảm phục. 
 
Ở góa nuôi mẹ và em
 
“Thôn Thọ Tây có nhiều người phụ nữ tên Nguyện, nhưng khi nhắc đến bà Nguyện ở vậy nuôi mẹ già và em gái tật nguyền, ai mà chẳng biết. Họ nghèo lắm!”, bà Trương Thị Ngọ, 85 tuổi, sống trong thôn cho biết khi chúng tôi hỏi thăm nhà bà Nguyện.
 
Người mẹ già của bà Nguyện là Lê Thị Đủng, năm nay đã 93 tuổi. Em bà là Trần Thị Liên, khi vừa sinh ra đã tật nguyền. 52 tuổi là 52 năm trời, bà Liên sống trong cảnh đau đớn khi cơ thể ngày một co rút, teo tóp dần, thần kinh thì không ổn định. 
 
Bà Nguyện
Gần cả cuộc đời, bà Nguyện đã hy sinh cả cuộc sống riêng của bản thân để phụng dưỡng mẹ già và nuôi em gái tật nguyền.
 
Lúc bà Nguyện 11 tuổi, chị em bà đã không còn cha bên cạnh. Ngày qua ngày, ba mẹ con cưu mang nhau sống đến tận hôm nay.
 
Nhắc đến người chị gái, bà Liên tự hào khoe: “Ngày trước, chị là một cô gái xinh đẹp trong thôn và có không ít người hỏi cưới. Thương mẹ già yếu, thương tôi tật nguyền với cuộc sống không điểm tựa, chị chấp nhận ở vậy nuôi mẹ và tôi”.
 
Im lặng vài giây nghe em nói. Lén nhìn em, đôi mắt bà Nguyện đỏ hoe, ngân ngấn nước mắt. Bà thỏ thẻ: “Bình thường nó nói nghe tội lắm. Khi lên cơn, nó la om sòm cả xóm. Đi thì xẹo qua, xẹo lại, té lên, té xuống hoài”.
 
“Nhiều lúc tôi cũng tủi thân lắm, muốn có một tấm chồng để nương tựa lúc về già. Mà có chồng thì ai sẽ lo cho mẹ, cho em. Được sinh ra trong cuộc đời này, so với em, tôi may mắn hơn nhiều. Chỉ mong có thể bù đắp những gì thiếu thốn mà em đang mang trong người”, bà Nguyện sụt sùi.
 
Vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của số phận và trên hết là bằng nghị lực cùng tình thương cao cả của một người con, một người chị, bao năm qua bà vẫn sống và lao động một cách thầm lặng để phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc cho đứa em gái tội nghiệp của mình. Trong gia đình, bà Nguyện chẳng khác một đầu tàu.
 
Cám cảnh nghèo khó, bệnh tật
 
Đến nhà, gặp bà Nguyện, có ăn chung một bữa cơm với gia đình bà mới thấm thía được cái nghèo khổ. Mâm cơm chỉ thiệt có cơm trắng và nước mắm. 
 
“Hôm nay đi làm đồng, định về sớm mua gói mì, hái cọng mồng tơi nấu chén canh cho mẹ và em gái dễ nuốt mà lo làm mãi nên về trễ”, vừa nói, bà Nguyện cẩn thận đút từng muỗng cơm cho mẹ rồi vội vàng xuống bếp lấy cơm cho em Liên.
 
Dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến đâu, bà Nguyện cũng không bỏ rơi đứa em gái tội nghiệp của mình.
Dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến đâu, bà Nguyện cũng không bỏ rơi đứa em gái tội nghiệp của mình.
 
Ngày trẻ còn sức khỏe, ngoài làm ruộng, bà làm được nhiều việc. Đến bữa ăn còn có món này, món kia. Bây giờ, cơ thể ngày một yếu đi, lại mắc bệnh khớp và tim nên không thể lao động như xưa được. 
 
Cuộc sống của kẻ già, người bệnh tật này chỉ còn biết trông chờ vào 2 sào ruộng, 180 nghìn đồng tiền nhà nước hỗ trợ cho bà Đủng và số tiền ít ỏi bà Nguyện kiếm được từ việc “ai kêu gì làm nấy”. 
 
Ngôi nhà nhỏ gia đình bà ở, gần 30 năm xây vẫn chưa xong vì hụt tiền. Quanh nhà trống huơ, trống hoác. Bên trong không một vật dụng giá trị. Gian nhà dưới là nơi nấu ăn, lèo tèo chiếc xoong chảo méo xẹo và vài chiếc bát đã xỉn màu. Gian nhà trên, tài sản “quý” nhất là chiếc tủ bàn thờ và cái tivi trắng đen được người họ hàng cho.
 
Lo cái ăn, cái mặc đã vất vả. Khổ nổi, cả ba người đều mang bệnh trong người. Tiền thuốc thang gấp 3, 4 lần tiền ăn. Không tháng nào, bà Nguyện không chạy vạy vay tiền. 
 
“Tui cứ mượn đầu này, đắp đầu kia. Thấy hoàn cảnh mình thế này, người ta chỉ dám cho mượn lần đầu, lần sau không ai dám cho mượn nữa. Mượn không được thì ba mẹ con uống đỡ thuốc giảm đau”, nghe bà Nguyện nói mà xót xa cả ruột.
 
Khi được hỏi mong ước lớn nhất của bà bây giờ là gì? Bà bảo, chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi em, trả nợ. Sau đó, dành dụm mua thêm vài con gà, con heo nuôi trong vườn gọi là có chút để dành mua thuốc cho mẹ và em.
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.