Rong ruổi nghề lượm ve chai

09:11, 07/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày mùa, cánh đồng làng trơ gốc rạ, cũng là lúc "đội quân" ve chai về TP. Quảng Ngãi hoặc đến các thị trấn trong tỉnh đông hơn. Không mấy người đi lượm ve chai mà giàu lên cả, nhưng cái nghề nhọc nhằn này cũng đủ đắp đổi qua ngày với nhiều gia đình và nuôi dưỡng bao ước mơ của con em họ trên con đường học vấn…

TIN LIÊN QUAN


 "Chiến lợi phẩm" từ của bỏ đi

 Trời chập choạng tối, anh N.Đ.T xã Đức Lân (Mộ Đức) cùng vợ thu gom hơn 6 bao tải lon bia, vỏ nhựa các loại và hàng xấp giấy cát tông, chai nhựa đủ loại, tập kết ven Quốc lộ 24 thuộc địa phận xã Ba Động (Ba Tơ).  

Anh T cười nói: "Mình đi lượm cái của mà người đời vứt đi và xem nó là "chiến lợi phẩm" là kết quả của cả ngày hai vợ chồng rong ruổi vào từng xóm, nhà đấy. Có những xóm bị chia cắt bởi sông, suối, cũng phải "ghé thăm". "Siêng nhặt nên chặt bị thế này, chứ cái nghề lượm ve chai mà đâu có sẵn một nơi".

Bà Thôi vẫn cười tươi bên chiếc xe chất đầy chiến lợi phẩm ve chai.
Bà Thôi vẫn cười tươi bên chiếc xe chất đầy chiến lợi phẩm ve chai.


Nói rồi, anh T vội vàng cột các bao tải ve chai lên chiếc xe Cup 50 cà tàng làm choán hết chỗ ngồi. Anh T bảo: "Có mấy khi được thế, nên cố gắng chở hết về để kiếm vài đồng lo cho bọn nhỏ". Chiếc xe chạy nặng nề trong bóng tối.

Còn ở TP. Quảng Ngãi, chúng tôi gặp bà Trần Thị Thôi thôn Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) người sống bằng nghề ve chai hơn 10 năm qua. Bà Thôi chia sẻ: "Tui làm cái nghề này từ thời các con bà còn bé". Ngày đó, đất quê cằn cỗi bà cùng chồng gieo vài sào ruộng lúa, mỗi năm 2 vụ chỉ thu được vài mươi ang đủ ăn mùa giáp hạt.

Còn  việc học của các con, tiền mua mắm muối tương cà, cưới hỏi, đám tiệc thì lấy tiền đâu ra nên bà để con nhỏ ở nhà cho chồng, vào TP. Hồ Chí Minh bán vé số. Vào nơi đất khách "lạ nước lạ cái", bà Thôi đã bị giựt, tráo đổi vé số giả. Thế là tiền vay mượn ở quê đem vào hết sạch. Bà "chào thua" với cái nghề này nên chuyển sang buôn bán ve chai. Ở giữa đất "Sài thành", trên vai một đôi quang gánh bà rảo khắp cùng ngõ hẻm lượm ve chai. Ngày đầu bà kiếm được vài ba chục ngàn đồng, rồi lên 50.000 đồng, 100.000 đồng. Số tiền dành dụm gửi về quê, còn lại bà Thôi mua được chiếc xe đạp. Thế là cái nghề ve chai gắn liền với bà từ đó.

Hơn 10 năm đi lượm ve chai nơi đất khách, bà đã lo được cho gia đình và dựng vợ gả chồng cho các con. Giờ bà lại trở về quê tiếp tục cái nghề "phụ mà chính" này. Chất trên chiếc xe đạp đầy những thứ phế thải, nào là lon bia, chai nhựa đủ kích cỡ, đủ loại, bà Thôi cười tươi: "Giờ thì đỡ lo rồi, nhà chỉ còn ba bà con. Ổng lo ruộng đồng, tui lo kiếm vài đồng từ cái nghề này để lo mắm muối và cho thằng út ăn học".


"Mong cho cuộc sống ngày càng khấm khá...".

Những năm gần đây cuộc sống khá dần lên, việc tiêu thụ bia, nước ngọt tăng lên. Trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều người thường loại bỏ những thứ ít dùng đến, nên nguồn phế liệu khá dồi dào. Có phế liệu thì có cơ sở tái chế và người thu lượm ve chai ngày càng nhiều hơn. Họ nhặt nhạnh khắp mọi nơi rồi đem đến cơ sở thu gom để bán lại cho các cơ sở tái chế. Điều này vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa giảm được chi phí giá thành sản phẩm. Trong khi đó, người sống bằng nghề ve chai thì chẳng cần vốn liếng gì lớn mà chỉ bỏ công nhặt nhạnh, thu mua gom góp từ các gia đình đem bán cho các chủ vựa phế liệu là có thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Luận ở Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) vuốt mớ tóc lòa xòa trước trán đẫm mồ hôi dù giữa ngày đông giá rét, cười vui: "Mong sao cuộc sống giàu lên để người thành phố mua sắm, ăn uống càng nhiều mình càng mua được nhiều ve chai mà bán. Cũng nhờ nghề này mà tôi đã nuôi được 3 đứa con, nay hai đứa đã vào các trường chuyên nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh rồi đấy!". Nói rồi, chị lại tất tả đạp xe đi mất hút giữa con phố dài. Nhìn dáng chị tôi hiểu giữa cuộc sống ngày càng khá lên vẫn còn một bộ phận dân cư nặng gánh áo cơm, con cái học hành.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.