100 năm báo Người cùng khổ

09:02, 04/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1/4/1922 là tròn 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) ra số đầu tiên tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp).
 
Sáu tháng trước đó, ngày 9/10/1921, cũng tại Paris, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng các nước thuộc địa của Pháp (Algeria, Maroc, Tunisia)... đã thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa (L’Union Intercolonial). Tổ chức này hình thành nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc bị áp bức, nô dịch. Vào tháng 1/1922, để xây dựng một diễn đàn của nhân dân các nước thuộc địa và tạo ra một hình thức đấu tranh mới, Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã thống nhất quyết định thành lập “Hội hợp tác Người cùng khổ” và ra tờ báo Người cùng khổ. Từ Paria, nguyên gốc là tiếng Ấn, chỉ những người đã mất hết mọi quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Người Pháp sử dụng từ này theo nghĩa rộng, để gọi những người cùng khổ.
 
Một trang báo Le Paria (Người cùng khổ).                                                                              ẢNH: TƯ LIỆU
Một trang báo Le Paria (Người cùng khổ). ẢNH: TƯ LIỆU
Tờ báo được viết bằng ba thứ tiếng Pháp (chữ to đậm), tiếng Ả Rập và tiếng Trung Quốc (viết nhỏ hơn ở phía bên phải và bên trái). Từ số 1 đến số 20, báo có dòng tiêu đề “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Tribune des Populasions des colonial); từ số 21 đến số 35 có tiêu đề là “Diễn đàn của vô sản thuộc địa” (Tribune des proletariat colonial); số 36, 37 có tiêu đề “Cơ quan của nhân dân bị áp bức các thuộc địa” (Organe des Peuples Oppirimes des colonies); số 38 có tiêu đề “Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa” (Organe de L’Union Intercoloniale).
 
Để duy trì tờ báo giữa Paris lúc đó, trong điều kiện vốn ban đầu không có, giá cả ngày càng đắt đỏ trong khi chính quyền Pháp thường xuyên gây áp lực, đòi hỏi Nguyễn Ái Quốc phải có nhiều sáng kiến và công sức. Mỗi cuộc họp của Hội Liên hiệp thuộc địa và của Tòa soạn, mọi người lại quyên góp tiền cho số báo sau. Trung ương Đảng Cộng sản Pháp khi đó quyết định giúp cho đảng bộ thuộc địa và báo Người cùng khổ mỗi tháng 350 phơ răng. Riêng Nguyễn Ái Quốc ủng hộ rất đều cho báo mỗi tháng 25 phơ răng. Người nói với các đồng chí của mình: Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống. Nó mất đi sẽ là tổn hại to lớn đối với tổ chức và nhất là đối với công tác tuyên truyền.
 
Nguyễn Ái Quốc đã mời người bạn thân của mình là văn hào Henri Barbusse - người đứng đầu tổ chức quốc tế các nhà văn tiến bộ - tham gia giúp đỡ cho báo. Hội Ánh sáng và tạp chí văn học do Henri Barbusse sáng lập đã nhường cho báo một phần ngôi nhà số 16 phố Jacques Calot cho Hội Liên hiệp thuộc địa đặt cơ quan ngôn luận của mình. Do đó, khi mới ra đời báo Người cùng khổ có trụ sở tại đây, đến tháng 11/1922, trụ sở báo mới chuyển đến số 3 phố Marché des Patriarches, thuộc quận V, Paris. Nơi này cũng  là trụ sở của Hội Liên hiệp thuộc địa, nơi Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở từ ngày 15/3/1923 đến ngày 13/6/1923, trước khi rời nước Pháp sang Liên Xô.
 
Nguyễn Ái Quốc còn có sáng kiến tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật lấy danh nghĩa là Hội Liên hiệp thuộc địa đứng ra vừa tuyên truyền ảnh hưởng của hội, vừa có thêm tiền giúp cho báo Người cùng khổ. Ở Paris lúc đó có nhóm nghệ sĩ cách mạng lấy tên nhóm là "Nàng thơ đỏ”. Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ với nhóm và được nhóm nhận tổ chức buổi liên hoan nghệ thuật vào ngày 26/5/1923 tại Hội trường Thanh niên cộng hòa. Ba nghệ sĩ của nhóm “Nàng thơ đỏ” đã đến giúp Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Hội trường Thanh niên cộng hòa hôm đó đã thực sự trở thành một hoạt động cách mạng để kêu gọi đấu tranh.
 
Từ số 1 đến số 14, Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo. Người còn tham gia chuẩn bị cho các số báo từ 15 - 17 trước khi đi Liên Xô, rồi Trung Quốc. Trong thời gian ở hai nước này, Nguyễn Ái Quốc vẫn gửi bài về đăng báo Người cùng khổ và gửi tiền ủng hộ báo.
 
Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết gần 140 bài đăng trên các báo ở Paris, riêng báo Người cùng khổ có 38 bài, 5 bức tranh với 7 bút danh. Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Người cùng khổ mang một màu sắc đặc biệt. Đó là tinh thần đấu tranh cách mạng và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân triệt để.
 
Giai đoạn làm báo Người cùng khổ là thời gian Nguyễn Ái Quốc có điều kiện để rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp làm báo và cũng là lúc Người thể hiện rõ tư chất, năng lực và bản lĩnh của một nhà báo cách mạng. Nguyễn Ái Quốc còn chứng tỏ khả năng vận động, tập hợp, tổ chức và điều hành hoạt động của một tòa soạn báo. Ái Quốc đã đề ra phương pháp làm việc tập thể, dân chủ. Ban biên tập thường tổ chức các cuộc họp, đề ra nội dung từng số báo, phân công người viết và duyệt tập thể các trang báo.
 
Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh). ẢNH: TL
Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh). ẢNH: TL
Báo Người cùng khổ chỉ tồn tại trong 4 năm (từ tháng 4/1922 đến tháng 4/1926) với 38 số, song báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Báo Người cùng khổ khi gửi về tới Việt Nam đã được những người có ý thức dân tộc, có lòng yêu nước bí mật chuyền tay nhau đọc. Chính việc làm báo Người cùng khổ đã giúp Nguyễn Ái Quốc có nhiều kinh nghiệm để ba năm sau đó, năm 1925, Người ra tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta - báo Thanh Niên.
 
Kể từ ngày báo Người cùng khổ ra số đầu tiên đến nay đã tròn một thế kỷ, tên gọi của tờ báo và người sáng lập ra nó - nhà báo Nguyễn Ái Quốc, đã đi vào lịch sử phong trào đấu tranh chống đế quốc - thực dân và phong trào giải phóng các dân tộc. Báo Người cùng khổ đã trở thành di sản quý báu của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ.
 
NGUYÊN TÚ
 
 
 

.