Xây dựng chuỗi đô thị ven biển

03:04, 13/04/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Liên kết kinh tế vùng là một chủ trương đã có từ khá lâu của Chính phủ, nhưng trên thực tế, sự liên kết này chưa thực sự diễn ra, nhất là chưa mang lại những hiệu quả cụ thể về kinh tế cho những vùng có khả năng liên kết.

Từ lâu rồi, Quảng Ngãi và Quảng Nam không chỉ là hai anh em “núi liền núi, biển liền biển”, mà còn có những cơ sở địa lý, xã hội khá tương đồng có thể liên kết với nhau trong phát triển kinh tế vì những mục tiêu lớn. Nếu Quảng Ngãi đã có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nằm trong KKT Dung Quất, thì Quảng Nam đã có Nhà máy ô tô Trường Hải nằm trong KKT mở Chu Lai. Đó là hai nhà máy công nghiệp đầu tàu hằng năm nộp một lượng ngân sách rất lớn cho hai tỉnh.
 
Các xã ven biển hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế nên rất cần đầu tư đường ven biển để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.                          ẢNH: TL
Các xã ven biển hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế nên rất cần đầu tư đường ven biển để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. ẢNH: TL

Cách đây 5 năm, tôi có dịp về và đi gần hết huyện Núi Thành để viết bài cho đặc san kỷ niệm 30 năm thành lập huyện này. Và tôi thấy, Núi Thành không chỉ liền kề huyện Bình Sơn của Quảng Ngãi mà còn có nhiều điểm khá tương đồng giữa hai huyện này, hiện đang trở thành hai huyện công nghiệp đầu tiên của hai tỉnh trong tiến trình công nghiệp hóa. Nghĩa là hai huyện này không chỉ có thể thoát nghèo một cách bền vững, mà còn vươn lên khá giả cũng một cách bền vững.

Tuy nhiên, khi về những vùng biển, thăm những xóm ngư dân đánh cá ở hai huyện này, lại thấy những tương đồng về những... xóm nghèo ven biển, về những khó khăn trong chỗ ở của ngư dân, về nguy cơ ô nhiễm môi trường sống và sinh hoạt của ngư dân. Nhưng tôi lại thấy, ngay trong khó khăn thiếu thốn ấy, đang lóe lên những tiềm năng về việc xây dựng chuỗi đô thị nhỏ ven biển-nơi chủ thể là ngư dân sinh sống, hành nghề biển giã và là nơi có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa biển.
 
Nếu ngư dân có được những đô thị nhỏ xinh xắn và có môi trường sinh sống tốt để thực hiện mơ ước vừa làm nghề đánh cá, vừa làm du lịch homestay phục vụ du khách ngay tại nhà mình, thì vùng ven biển hai tỉnh sẽ trở nên sinh động và thu hút biết chừng nào! Những chuỗi đô thị ven biển như thế, trên thế giới đã có rất nhiều và đều là những nơi thu hút lượng khách du lịch hằng năm rất lớn.

Khi hình thành chuỗi đô thị ven biển cho ngư dân sinh sống, cũng đồng thời sẽ mọc lên những cơ sở dịch vụ hậu cần nghề biển, những trường  học và những cơ sở chăm sóc y tế để đời sống ngư dân có được những thay đổi về chất, con em ngư dân được học hành tử tế, được chăm sóc y tế và có những kiến thức cơ bản về biển và về chính nghề biển của ông cha mình đang tiến dần tới hiện đại hóa. Một xã hội văn minh phải thực hiện được những mục tiêu ấy, để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trong chuyến về Quảng Nam làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới mục tiêu xây dựng chuỗi đô thị ven biển, mà chủ thể sống trong đó là ngư dân. Dĩ nhiên, sẽ còn nhiều thành phần khác của kinh tế thị trường trong mỗi đô thị, nhưng mục tiêu hướng ra biển và du lịch biển là hai mục tiêu hàng đầu dành cho cư dân bản địa. Nó sẽ góp phần bảo vệ môi trường biển, góp phần xây dựng và bảo tồn văn hóa biển ở hai tỉnh miền Trung là Quảng Nam và Quảng Ngãi.

 THANH THẢO


 

.