Xử nghiêm, và tiếp theo

07:12, 11/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu xử lý nghiêm các vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương. Những vụ xâm hại trẻ em vừa qua là hết sức nghiêm trọng, có vụ đã vượt mọi tưởng tượng của một người bình thường. Cả xã hội đã rúng động, và hậu quả để lại từ những vụ việc này trong tâm thức xã hội là hết sức nặng nề. Xử nghiêm là điều không thể khác. Nhưng với những vụ hành hạ, xâm hại trẻ em cả thể chất và tinh thần từ các nhà trẻ, thì sau khi xử nghiêm, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Chúng ta đều biết, nạn nhân trẻ em của những vụ hành hạ ở nhà trẻ phần lớn là con công nhân, con người nghèo. Trong điều kiện lao động như hiện nay cộng với đồng lương rất eo hẹp, việc sinh và nuôi con đối với một gia đình công nhân là rất vất vả. Khi gửi nhà trẻ hay mẫu giáo, không bao giờ họ dám chọn những nhà trẻ-mẫu giáo có chất lượng cao, vì tiền thu hằng tháng ở những nơi này quá cao, vượt quá khả năng thanh toán của họ.

Những gia đình công nhân đành chọn những nhà trẻ hay mẫu giáo tương đối rẻ. Ở những nơi đó, tiền gửi trẻ có thể vừa với khả năng của họ, nhưng ngược lại, chất lượng nuôi dạy trẻ thì không thể như họ mong ước. Những nhà trẻ đó có thể không dùng những cô giáo được học hành bài bản ở các trường đào tạo, và bản thân các cô giáo làm việc ở những nơi này cũng phải nhận mức lương thấp. Trang thiết bị của nhà trẻ, dĩ nhiên, không đúng chuẩn. Thái độ và cách hành xử của những người dạy trẻ em ở đây nhiều khi không đúng mực...

Hầu hết những vụ bạo hành trẻ em ở các nhà trẻ từ trước tới nay đều rơi vào những nhà trẻ “không đúng chuẩn” như thế. Cha mẹ các cháu bé dù biết những nguy cơ rình rập con mình, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Những nhà đầu tư khi tới làm việc với bất cứ địa phương nào cũng đều đưa ra những hứa hẹn, sẽ thế này sẽ thế khác... Và không ít những hứa hẹn ấy giành cho việc cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động, của công nhân. Nhưng trong thực tế, còn rất nhiều những khu công nghiệp, những nhà máy mà ở đó, những phúc lợi xã hội như nhà trẻ, nhà mẫu giáo hoàn toàn vắng bóng. Công nhân có cháu bé đành phải tìm những nơi gửi trẻ vừa với đồng lương ít ỏi của mình. Và, những tai họa đã xảy ra.

Ở các địa phương cũng đã xây nhà trẻ và mẫu giáo công lập, nhưng số lượng không đáp ứng được với nhu cầu gửi trẻ. Trường công lấy học phí không cao, nhưng xin cho con vào đó không hề dễ. Những công nhân phải làm việc quần quật suốt ngày, làm sao có những mối “quan hệ” để có thể xin cho con mình vào những nhà trẻ và mẫu giáo công vừa với đồng lương và có chất lượng nuôi dạy khá tốt như thế?

Vậy thì chỉ có một giải pháp. Chính quyền các địa phương khi làm việc với các nhà đầu tư, các ông chủ nhà máy phải buộc được họ cam kết xây dựng những nhà trẻ, nhà mẫu giáo đủ khả năng đón nhận tất cả con em công nhân đúng độ tuổi của nhà máy hay công ty mình. Đó phải là những cơ sở đúng chuẩn, từ cơ sở vật chất tới các cô bảo mẫu hay cô mẫu giáo, bảo đảm các cô đều đã trải qua trường dạy mẫu giáo hoặc chí ít là những khóa đào tạo nuôi dạy trẻ có chất lượng. Và thu nhập của các cô giáo ít nhất phải theo đúng mức lương Nhà nước quy định cho bậc học này.

Dĩ nhiên, khi gia đình công nhân gửi trẻ, họ phải đóng học phí hằng tháng cho con mình. Nhưng số tiền phải tương xứng với mức lương của họ, và không được thu thêm những “phụ phí”. Đó là giải pháp căn cơ nhất, bảo đảm sự an toàn cho các nhà trẻ và mẫu giáo nơi mà con công nhân được gửi.
 

THANH THẢO
 


.