Chấm dứt tình trạng ngư dân đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

02:08, 24/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 24.8, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện công điện số 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 

TIN LIÊN QUAN

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chủ trì hội nghị.
 
Về dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành ven biển trong cả nước như: Bà Rịa- Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre.
 
Theo đó, thời gian qua, tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài xảy ra nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã xảy ra 86 vụ, với 156 tàu và 1.323 ngư dân bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý. Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm có giảm ở khu vực Asean nhưng có tăng lên, mở rộng đến các nước quốc đảo Thái Bình Dương.
 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
 
Các địa phương có tàu cá, ngư dân bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý vi phạm vùng biển nước ngoài tập trung ở các "điểm nóng" như: Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định… Tại Quảng Ngãi, tính từ đầu năm 2017 đến nay, có 98 lượt tàu cá Quảng Ngãi bị các nước kiểm soát, bắt giữ, xử lý. 
 
Ngay sau khi Chính phủ triển khai Công điện 732 ngày 28.5.2017, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trong cả nước giảm rõ rệt. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2017, Quảng Ngãi chỉ có 1 tàu cá số đăng kí Quảng Ngãi nhưng không có trong dữ liệu quản lí vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.  Hiện nay các tỉnh ven biển đang tiếp tục triển khai các giải pháp để ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm. 
 
Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, các địa phương kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu cá vi phạm. Tiếp tục yêu cầu ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, lập danh sách, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để bàn về tình hình này một cách thấu đáo. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan có thể đưa các giải pháp hợp lý để ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở các nước, góp phần hoàn thiện việc thực hiện Chỉ thị 689 và Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. Thứ trưởng đánh giá cao công tác triển khai Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ tại Quảng Ngãi.
 
Đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản tổ chức lại việc khai thác, đề ra chiến lược phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới, thích ứng với xu thế hội nhập hiện nay, tránh việc để các nước xem đây là cái cớ ngăn cản, hạn chế việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
 
Thứ trưởng đánh giá cao công tác triển khai ở các địa phương, có sự chuyển biến nhận thức rõ rệt từ công tác quản lý nhà nước đến ngư dân ngay sau khi nhận được công điện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc chỉ đạo, thực thi các chế tài.
 
Thứ trưởng đề nghị, các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động triển khai cụ thể, không dừng lại ở việc kiểm điểm và đánh giá, cần phải thực thi, hành động quyết liệt hơn. 
 
Thời gian đến, riêng đối với Bộ NN&PTNT sẽ giao cho Tổng cục Thủy sản hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt trong tháng 9. 
 
Tổng cục Thủy sản Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức làm việc với đại diện EU tại Hà Nội, tổ chức đàm phán, hợp tác với các nước, tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hợp pháp ngoài vùng biển Việt Nam.
 
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tổ chức tăng cường năng lực cho kiểm ngư, phối hợp các lực lượng để bảo vệ tốt cho ngư dân, giúp ngư dân yên tâm khai thác trên các vùng biển hợp pháp; tuyên truyền giáo dục, tăng cường công tác truyền thông trong cả nước, đặc biệt là cho các đối tượng liên quan trực tiếp như ngư dân, chủ tàu, thuyền viên… 
 
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tùy theo chức năng của mình phối hợp và có kế hoach hành động cụ thể để triển khai công điện, tiến tới năm 2020 cả nước không còn tình tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm ở vùng biển các nước.
 
Tin, ảnh: Thiên Hậu
 

.