Quảng Ngãi: Sẵn sàng đối phó với bão số 8

03:09, 18/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, sáng 18.9, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc khẩn các thành viên của Ban chỉ huy để đối phó với bão số 8, đồng thời đi kiểm tra thực tế tại các địa phương.
 
Bão số 8 diễn biến phức tạp
 
Theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quảng Ngãi cho biết,  cơn bão số 8 đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt khi vào gần bờ sẽ dịch chuyển xuống phía Nam. Do đó, các địa phương Sơn Tịnh, Bình Sơn và huyện Lý Sơn nhiều khả năng bị ảnh hưởng rất lớn.
 
Hồi 13 giờ ngày 18.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 01 giờ ngày 19/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Do có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, từ đêm nay (18.9) đến ngày 19.9, vùng biển Quảng Ngãi sẽ có mưa bão và có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Tàu thuyền không được ra khơi. Vùng ven biển có gió cấp 5, cấp 6, giật trên cấp 7, cần đề phòng có nước biển dâng từ 1 đến 2 m. Trong đất liền có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng có lũ ống, lũ quét và sạt lở ở vùng núi. (Cần đặc biệt chú ý các huyện phía bắc tỉnh: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây và huyện đảo Lý Sơn).
 
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn kiểm tra thực tế tại các địa phương.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn kiểm tra thực tế tại các địa phương.
 
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay, trên các vùng biển còn khoảng 773 phương tiện, với trên 7.000 lao động, trong đó, có tàu cá QNg 96084 TS của ông Nguyễn Chí Thạnh ở huyện Lý Sơn trên tàu có 15 lao động đang ở khu vực vùng biển Hoàng Sa vẫn chưa liên lạc được với chủ phương tiện.
 
Hiện các đài canh của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và huyện Lý Sơn đang tìm mọi cách để liên lạc với chủ phương tiện để hướng dẫn tránh, trú bão an toàn.
 
Ngư dân vẫn còn chủ quan
 
Mặc dù bão số 8 diễn biến phức tạp và đang tiến vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện ven biển Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn. Tuy nhiên hiện nay, ngoài một số tàu thuyền của ngư dân đã vào nơi trú bão an toàn thì hiện còn rất nhiều tàu thuyền tại các vùng bãi ngang như Bình Hải, Bình Châu, huyện Bình Sơn vẫn chưa được di chuyển đến nơi an toàn.

 

Nhiều ngư dân vẫn chủ quan không đưa tàu tìm nơi trú bão an toàn trong khi bão đã gần vào bờ..
Nhiều ngư dân vẫn chủ quan, không đưa tàu tìm nơi trú bão an toàn trong khi bão đã gần vào bờ...
 
Ông Phạm Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, trước tình trạng nhiều tàu thuyền bãi ngang của ngư dân không chịu tìm nơi trú bão an toàn, ngay trong sáng 18.9, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tuyên truyền và yêu cầu các chủ tàu khẩn trương đưa tàu vào nơi trú ẩn an toàn. Nếu chủ tàu nào không chấp hành thì cương quyết xử lý… Đồng thời, phối hợp với bộ đội biên phòng tuyệt đối không để bất cứ tàu thuyền nào của ngư dân ra khởi khi chưa có lệnh.
 
Ngoài ra, hiện nay tại Dung Quất, tàu 104.000 tấn của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất đang neo đậu nhưng không thể di chuyển vì máy chính của tàu này đã bị hỏng. Phương án an toàn cho chiếc tàu chở dầu này hầu như bế tắc, vì vậy nếu bão đổ bộ vào bờ với sức gió lớn thì nhiều khả năng thiệt hại nặng cho tàu là điều khó tránh khỏi.
 
Chủ động đối phó với bão số 8
 
Ông Dương Văn Tô- Phó trưởng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cho biết, hiện diễn biến bão số 8 đang diễn biến phức tạp, vì vậy không được chủ quan, lơ là. Chính vì vậy, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh yêu cầu các thành viên  tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tổ chức các phương án phòng tránh bão số 8.
 

Ông Nhâm Xuân Sỹ-Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ngãi:

Ông Nhâm Xuân Sỹ
Ông Nhâm Xuân Sỹ
Bão số 8 có cường độ không mạnh dễ sinh tâm lý chủ quan, mặt khác do tốc độ di chuyển chậm nên mưa lớn có khả năng kéo dài. Bão số 8 với xu thế khả năng nhiều đi hướng tây (lưu ý khả năng gần vào đất liền có thể dịch xuống dưới phía nam 1 chút. Nnhư vậy khu vực phía bắc của tỉnh đặt trong báo động cao). Bên cạnh đó do hiện tại có cơn bão USAGI  đang ở phía đông Philippin tác động đến cơn bão số 8, nên cần chú ý cảnh giác cao.
 
Ngay trong ngày 18.9, phải tổ chức kiểm tra lại việc di dời dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét và những vùng ven sông, ven biển. Hướng dẫn sắp xếp các phương tiện tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Đặc biệt, huyện Bình Sơn cần có kế hoạch cụ thể để ứng phó tình trạng sạt lở các xã ven biển. Để đối phó với nước biển dâng khi bão vào bờ, cần có phương án di dời dân tại xóm 1, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải.
 
Riêng các huyện đồng bằng phải có phương án sơ tán các hộ dân vùng xung yếu. Triển khai các phương án ứng phó sự cố vỡ hồ, đập, nhất là các hồ chứa hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần lưu ý các địa phương trong việc dự trữ lương thực tại chỗ.

Đối với các phương tiện tại cảng Dung Quất, Cảng vụ Quảng Ngãi tiếp tục yêu cầu các tàu tại khu vực cảng Dung Quất đã vào nơi trú bão an toàn. Cấm các phương tiện tại cảng Sa Kỳ ra khơi. Đối với các huyện miền núi, trong thời gian đến nhiều khả năng sẽ có mưa to đến rất to, vì vậy khả năng sạt lở chia cắt đường là khó tránh khỏi, vì vậy ngành giao thông vận tải cần chủ động phương tiện cần thiết để có thể giải tỏa ách tắc, sạt lở, giữ giao thông thông suốt.

Sơn Tây, Tây Trà xuất hiện nhiều điểm sạt lở
 
Tại huyện miền núi Sơn Tây, hai ngày qua có mưa liên tục nên khiến một số tuyến đường bị sạt lở. Cụ thể tại dốc Ông Phó (xã Sơn Tân) thuộc tỉnh lộ 623 đã xảy ra 2 điểm sạt lở. Tuyến đường Đông Trường Sơn đang thi công đoạn từ Sơn Dung qua Sơn Long cũng đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, tuy nhiên chưa xảy ra tình trạng tắc đường.
 
Ông Tô Cước – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Sơn Tây cho biết, để ứng phó với bão số 8, huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi ứng trực tại những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao cũng như có thể xảy ra lũ quét để kịp thời thực hiện các phương án tại chỗ, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
 

 

Tuyến đường giao thông về huyện Sơn Tây bị sạt lở.
Tuyến đường giao thông về huyện Sơn Tây bị sạt lở.

 

Hiện các điểm sạt lở trên tỉnh lộ 623 cũng đã được khắc phục. Tuy nhiên, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ sạt lở các tuyến đường cũng như sạt lở núi rất lớn. Hiện, trên địa bàn huyện có 7 điểm dân cư có nguy cơ bị sạt lở núi và lũ quét gồm 108 hộ với 414 nhân khẩu.

Tại miền núi Tây Trà, trong hai ngày qua cũng liên tục có mưa vừa, mưa to. Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở một số điểm trên địa bàn huyện.
 
Chiều 18.9, ông Hồ Văn Thuyền, Chủ tịch UBND xã Trà Xinh cho biết: Tại xã Trà Xinh, trên các tuyến đường từ xã về các thôn đã có 2 điểm bị sạt lở. Một điểm tại cầu Dầm, thuộc đội 1, thôn Trà Veo. Tại đây một khối lượng đất đá lớn từ phía taluy dương sạt xuống lấp gần hết lòng đường, hiện ô tô không thể qua lại được, xe máy đi lại rất khó khăn.  Điểm thứ 2 tại suối Xoay, thuộc đội 4 thôn Trà Ôi, bị sạt lở ở phía taluy âm. Tại điểm sạt lở này đất đá đổ xuống lấp cả con đường, xe máy không thể đi lại được, gây cô lập cho trên 70 hộ dân các tổ đội phía trên của thôn Trà Ôi.
 
Theo ông Hồ Văn Thuyền, Chủ tịch UBND xã Trà Xinh, mặc dù đang bị cô lập nhưng hiện nay người dân đã thu hoạch lúa rẫy, đang ăn lúa mới nên không lo thiếu đói trong vài ngày tới. Xã đã dự trữ hai tấn gạo lụt bão, mì tôm, dầu hoả, các lực lượng xung kích cũng đã sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ bà con. Xã cũng đã báo với huyện để tổ chức thông đường trong thời gian sớm nhất.
 
Ông Phan Văn Hiền- Phó Ban Chỉ huy PCLB &TKCN huyện Tây Trà cho biết: Ngoài 2 điểm sạt lở ở xã Trà Xinh, thì tại tuyến đường số 2 vào Hồ chứa nước Nước Trong ở xã Trà Thọ mưa lớn làm tuyến đường này khá lầy lội, các phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn.
 
Hiện Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện Tây Trà đã cử cán bộ và chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình để sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra. Huyện Tây Trà cũng đã chủ động lập phương án di dời 135 hộ dân với hơn 630 nhân khẩu ra khỏi 16 điểm sạt lở núi ở các xã Trà Quân, Trà Thanh, Trà Khê và Trà Lãnh đến nơi an toàn.
 
Các địa phương sẵn sàng di dời dân khi cần thiết
                            
Huyện Trà Bồng hiện có 8 điểm nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi với trên 170 hộ dân và khoảng 820 khẩu, tập trung ở các xã Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Sơn, Trà Giang và Trà Bùi. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện đã chủ động triển khai phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, huyện đã giao cho các xã lập danh sách từng hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở để khi có tình huống khẩn cấp thì tổ chức di dời ngay đến nơi an toàn. Huyện cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra phương án phòng chống lụt bão ở các xã và kiểm tra 8 điểm có nguy cơ sạt lở núi nêu trên.
 
Người dân thôn Ân Phú, Tịnh An luôn bị cô lập mỗi khi mua bão về.
Người dân thôn Ân Phú, Tịnh An luôn bị cô lập mỗi khi mưa lũ về.


Tại huyện Sơn Tịnh, sáng 18.8, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh cũng đã kiểm tra trực tiếp tại các xã ven biển. Ông Phạm Xuân Vinh- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến thời điểm này, tất cả các tàu, thuyền của huyện đã đi vào nơi trú ẩn an toàn. Các phương tiện nạo vét, hút cát tại các cửa Đại đã và đang khẩn trương di dời lên bờ.

Huyện sẵn sàng lực lượng kiểm soát các bến đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người và phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để nhân dân ra vớt củi, đánh cá khi có nước lũ dâng cao. Huyện cũng đã bố trí đò để thuận tiện cho việc đi lại của người dân đề phòng trường hợp mưa lớn, ngập úng tại Khu dân cư Sơn Tịnh.

Nhiều khu dân cư tại các xã Tịnh An và Tịnh Sơn cũng đang nằm trong vùng có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ. Phương án di dời dân cũng đã được tính đến. Thôn Ân Phú, xóm Tân Lập và thôn Ngọc Thạch  của  xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh có  350 hộ, với 1.300 nhân khẩu đang đứng trước nguy cơ bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, có 14 hộ dân ở phía đông bắc thôn Ân Phú bị đe dọa bởi dòng sông Trà xoáy sâu, gây sạt lở với chiều dài khoảng 200m.

Còn tại xã Tịnh An, toàn xã có kế hoạch phải di dời 353 hộ, với 1.478 khẩu. Trong đó thôn Tây, xã Tịnh Sơn gồm các đội 9, đội 10, 11, với số hộ 106 hộ, 446 nhân khẩu nằm ven sông Trà Khúc có nguy cơ sạt lở cao, xã chủ động địa điểm di dời đến nơi an toàn.

Tại huyện Tư  Nghĩa, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão số 8 để chủ động phòng tránh.

Ông Lê Trung Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, hầu hết tàu, thuyền của huyện đã vào các vị trí an toàn. Hiện còn 10 tàu chưa liên lạc được nhưng số tàu, thuyền này đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa chứ không phải Hoàng Sa nên không đáng ngại.

Huyện đã chỉ  đạo các xã, thị trấn thông báo cho nhân dân, đặc biệt là các hộ dân ven sông Trà, sông Vệ  thông tin và hướng đi của cơn bão số 8 để tổ chức chằng chống nhà cửa, chú ý đề phòng bão kết hợp mưa lũ lớn, ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lụt bão và phương án sơ tán nhân dân của địa phương.
 

Lý Sơn chủ động dự trữ 50 tấn gạo

Trong 3 ngày qua trên địa bàn huyện Lý Sơn đã có mưa to, gió lớn. Hiện lượng gió ở Lý Sơn khoảng cấp 6, cấp 7 và dự báo đêm 18.9 bão số 8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp huyện đảo này. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện đã họp và triển khai khẩn cấp phương án phòng chống bão với phương châm 4 tại chỗ.
 
Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn đã tìm nơi trú bão an toàn.
Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn đã tìm nơi trú bão an toàn.

Các nghiệp đoàn và Đồn biên phòng đã kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Hiện nay phần lớn các tàu của ngư dân Lý Sơn đã nắm được thông tin và hướng di chuyển của bão số 8. Hầu hết các tàu đã vào bờ và đang trú ẩn tại vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Đáng lưu ý là tại Vũng Cồn, ở xã An Vĩnh hiện có trên 30 tàu đang thuyền đang neo đậu, nếu bão đổ bộ vào sẽ rất nguy hiểm. Huyện Lý Sơn đã khuyến cáo ngư dân cần neo đậu và chằng chống tàu thuyền kỹ để tránh va đập, gây hư hỏng tàu khi có sóng to.

Bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Huyện Lý Sơn dự trữ 50 tấn gạo, trong đó dự trữ tại đảo An Bình là 5 tấn để đảm bảo lương thực cho nhân dân ở đây nếu thời tiết xấu kéo dài. Để đề phòng nước biển dâng và nguy cơ triều cường xâm thực, huyện Lý Sơn cũng đã chỉ đạo xã An Bình triển khai ngay các phương án di dời dân lên nơi cao ráo.
 
 

Nhóm PV - CTV

 

 


.