Truyện ngắn: Để gió cuốn đi...

04:11, 26/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lên tới đầu con dốc cô thở hổn hển nhưng miệng vẫn mỉm cười. Cô cười một mình giữa núi rừng cây xanh lặng gió. Nụ cười của cô làm cho cả vạt rừng giữa lưng chừng núi vui reo. Cô ngồi bệt dưới bãi đất, trên thảm cỏ xanh, nơi chỉ có hoa rừng và lũ chim chóc ríu ra ríu rít gọi nhau trong làn sương ban mai còn mờ mịt. Vài tia nắng ấm xuyên qua kẽ lá. Cô ngửa mặt lên trời hít một hơi thật sâu, rồi từ từ thở ra trong khoan khoái. Một ngày mới lang thang của cô lại bắt đầu.
 
“Cuộc sống ngắn ngủi lắm. Đời người cũng trôi qua nhanh lắm. Không lang thang là phung phí với đời. Lang thang để làm những gì mình thích, để cuộc sống không trở nên vô vị, để mỗi hơi thở trở nên ý vị giữa một cuộc đời ẩn hiện bao lo toan”, cô nghĩ thế.
 
Hôm nay là một ngày lang thang rất đặc biệt của riêng cô. Cô rời nhà từ lúc bốn giờ sáng, khi chú gà trống trong vườn vừa cất cao tiếng gáy, khi tiếng chuông chùa vừa vọng ra những nhịp điệu ngân vang đầu tiên, khi ánh bình minh phía lũy tre đầu làng còn chưa kịp hừng đông.
 
Tay cô xách theo lỉnh kỉnh đủ thứ đồ treo trên chiếc xe gắn máy. Nào là tã lót, nào là sữa, nào là búp bê, rồi cả chục món đồ linh tinh khác. Đều là của con nít. Hành trình lang thang ngày hôm nay của cô là đến với ngôi làng Ca Dong cách nhà cô gần hai giờ chạy xe máy. Để vào được tận làng Ca Dong, cô phải bỏ xe máy từ phía dưới chân con dốc rồi cuốc bộ thêm ba mươi phút nữa mới đến nơi.
 
Ở ngôi làng này chỉ toàn người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Người ta ít tiếp xúc với thị thành nên cái chất quê vẫn còn nguyên, chưa hòa vào cuộc sống hiện đại. Cô quyết định lang thang đến làng Ca Dong không chỉ là để được trầm mình trong cái chất quê bình dị, nhẹ nhàng ở nơi này, mà cô đến còn vì một lẽ khác.
 
Câu chuyện về một thằng bé vừa cất tiếng khóc chào đời đã mồ côi mẹ ở ngôi làng này đã làm cô cảm động. Thằng bé ấy là con của một phụ nữ nghèo mắc căn bệnh ung thư vú. Ngày phát hiện bệnh, lương y khuyên nên bỏ cái thai để vô hóa chất điều trị mới có cơ may kéo dài sự sống, nhưng người phụ nữ ấy đã không đồng ý.
 
Bằng tất cả tình thương bao la của người mẹ, người phụ nữ ấy đã xin khất chuyện điều trị, cố giữ lại giọt máu của mình, quyết nhường sự sống cho con. Chín tháng mười ngày, thằng bé ấy được sinh ra. Nó bụ bẫm và đáng yêu. Nhưng khi thằng bé vừa cất tiếng khóc chào đời, thì người mẹ cũng trút hơi thở cuối cùng. Cha thằng bé cũng bỏ mẹ con nó mà đi biền biệt từ lúc mẹ nó đang mang thai nó trong bụng và chống chọi với căn bệnh ung thư. Thằng bé đó đã sống trong vòng tay của bà ngoại hơn một tuần nay.
 
Nhà ngoại thằng bé nghèo lắm. Một túp lều tranh dột nát là chỗ hai bà cháu đang tá túc. Gặp thằng bé, cô rơi nước mắt, ngẫm thấy cuộc đời sao quá bất công, sao không phân đều hạnh phúc, no đầy cho tất thẩy mọi người. Tại sao lại để kẻ sống trong nhung lụa, người chịu cảnh cơ hàn. Cô sụt sịt. Ôm thằng bé vào lòng, nghe tiếng khóc oe oe phát ra từ cái miệng nhỏ bé của nó, cô nghe nhói ở trong tim.
 
Thoạt đầu, cô đến với thằng bé chỉ là để mang cho nó chút hơi ấm của tình thương đồng loại, của cái tình giữa con người với con người. Nhưng dường như có một điều kỳ diệu đã được định sẵn. Một ý nghĩ táo bạo lại lóe lên trong đầu cô như những lần trước. Cô muốn nhận thằng bé làm con nuôi. Cô nghĩ, nó về ở với mình sẽ tốt hơn cho nó, cho ngoại nó. Mẹ nó nếu có biết được chuyện này chắc cũng mỉm cười nơi chín suối.
 
Vậy là cô lại có thêm con. Thằng bé là đứa con thứ ba của cô. Người ta có con phải mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, còn cô, tính đến đứa con thứ ba vẫn chưa một lần như vậy. Chúng đến với cô từ cái tình người, từ cái duyên như tạo hóa đã vẽ sẵn. Dẫu không mang nặng đẻ đau, nhưng mỗi đứa con cô nhận làm con đều làm tim cô đau nhói. Đứa con đầu tiên cô nhận nuôi khi người dân ở làng của cô phát hiện có ai đó nhẫn tâm mang đứa bé sơ sinh đặt trong thùng xốp tại cánh đồng vắng. Thấy thương nên cô nhận về nuôi.
 
Đứa con thứ hai gặp cô trong dịp cùng nhóm thiện nguyện lang thang đi trao quà Tết cho người nghèo ở tận bản Đôn. Lần đó, khi cả nhóm thiện nguyện của cô đến một ngôi chùa trao quà, thì thấy các sư thầy đang tìm cách sưởi ấm cho một đứa bé chưa tròn mười ngày tuổi. Đứa bé ấy bị người ta quấn trong một bộ quần áo cũ rồi bỏ bên vệ đường trước cổng chùa. Khi các sư thầy phát hiện ra, thì đứa bé ướt sũng, yếu ớt, trên da thịt hàng trăm vết kiến đốt đến thâm tím. Vậy là cô xin ở lại chùa cả tuần lễ để chăm sóc cho đứa bé. Đến khi đứa bé khỏe hẳn thì cô xin các sư thầy cho đưa về nhà chăm nom.
 
Hai đứa con đầu của cô giờ đứa học lớp bốn, đứa học lớp ba. Nay thêm thằng bé ở làng Ca Dong chưa tròn mười ngày tuổi. Từ ngày cô có ba đứa con, cuộc sống của cô quay như một cái chong chóng. Cô không để tụi nhỏ đói, càng không để con thất học, kém cạnh những đứa có gia đình đề huề.
 
Cô nghĩ: “Đã nhận chúng về làm con thì phải nuôi cho xứng”. Vậy là cô vẫn cười. Cuộc sống của cô cũng chẳng phải dư giả gì. Ngày cha mẹ cô mất trong một tai nạn giao thông, là con một, cô được thừa hưởng gia sản là hai héc ta vườn cây ăn trái cùng một trang trại nuôi gà nho nhỏ. Cô bảo, đấy là gia sản của cha mẹ để lại, so ra cô còn có phước có phận hơn bao người phụ nữ khác. Nhờ gia sản này mà cô mới “to gan” nghĩ tới chuyện đi nhận những đứa trẻ về làm con.
 
“Đời mà! Cho đi là nhận lại”, cô bảo thế. Cô cho đi tình thương để giờ nhận lại ba đứa con mà cô gọi là thiên thần.
 
Từ cái năm cô bắt đầu biết chăm chút cho nhan sắc, thì cô đâm ra “nghiện” đi lang thang. Mười sáu tuổi, cô đã theo chân các bậc đàn anh, đàn chị của các nhóm thiện nguyện lên rừng xuống biển để chia sẻ cùng người nghèo, rồi dần dà cô xem đó là niềm hạnh phúc cuộc đời mình. Tháng nào mà không làm chuyến lang thang, đi tình nguyện đó đây thì cô cảm thấy rất khó chịu. Nói theo kiểu của cô, đi lang thang, đi làm thiện nguyện cũng giống như tới bữa phải ăn. Cô không bỏ được. Tới mùa thu hoạch vườn cây ăn trái hay lúc xuất chuồng đàn gà, cô lại dành dụm tiền giúp người nghèo ở chỗ nọ, chỗ kia.
 
Đến giờ, cô đã lang thang đó đây ngót nghét mười lăm năm. Dường như sự lang thang của cô đã mang đến cho cô nhiều trải nghiệm, chứng kiến nhiều cái éo le của bao phận người giữa cuộc sống xô bồ, vội vã, buộc cô phải hành động. Lòng nghĩa hiệp của cô cứ thế vút lên trời cao.
 
Có người bảo cô là đứa con gái xinh nhất ở chợ xã, nay cũng đã ở độ tuổi “dựng vợ gả chồng” sao không tìm tấm chồng mà trao thân? Có người còn bảo, con gái con lứa còn sắc xuân thế kia, mơn mởn thế kia sao không lo chăm chút cho bản thân rồi xây dựng một cuộc đời an yên mà khổ chi đến mức đi nhận nuôi tới ba đứa trẻ để cực như đàn bà đã có chồng?
 
Cô nghe chỉ cười mỉm, rồi nghêu ngao hát vài ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi...”.
 
Rồi cô ôm ba đứa con tựa vào lòng mình, đôi mắt trong veo của cô ngước nhìn ra phía đằng xa, nơi thấp thoáng những cánh cò trắng vờn bay trên đồng cỏ xanh. Cô nghĩ, người đời nói gì mặc kệ, còn cô vẫn là cô nàng lang thang thôi. Lang thang đến cuối đời...
 
VÕ MINH HUY
 

.