Mùa hái "lộc rừng"

11:09, 10/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu tháng 7 âm lịch, đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây lại cùng nhau lên núi thu hoạch măng nứa (người địa phương gọi là măng vót). Măng nứa nơi đây mọc tự nhiên, có vị ngọt và giòn khác biệt so với các loại măng của những vùng khác, nên đã trở thành “đặc sản” của huyện miền núi này.
 
[links()]
 
Khi những cơn mưa ùa về trên các cánh rừng cũng là lúc cây nứa bắt đầu trở mình, bung những chồi măng non. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, hầu như gia đình nào ở xã Sơn Liên (Sơn Tây) cũng có người vào rừng bẻ  măng. Dân làng ví mùa này là mùa đi hái “lộc rừng”.
 
Rủ nhau đi bẻ măng 
 
Hơn một tháng qua, ngày nào vợ chồng chị Đinh Thị Yến, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên, cũng lên các cánh rừng trên địa bàn xã và các vùng lân cận để bẻ măng. Chị Yến chia sẻ, cây măng nứa mọc ở trên rừng, cứ đến mùa là tôi thu hoạch rồi mang về bán cho thương lái. Nếu chăm chỉ, mỗi người cũng kiếm được 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Nhờ có những mùa măng như thế này mà gia đình tôi có thêm thu nhập, mua sắm sách vở cho con cái đến trường học chữ.
 
Vị đặc biệt  Măng nứa ở Sơn Tây có vị ngọt, giòn, đậm chất tự nhiên, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như luộc, xào, hầm, kho thịt, làm gỏi hoặc phơi khô hay ngâm chua để dành ăn quanh năm...  Đối với người dân miền núi, măng nứa đã trở thành món ăn không thể thiếu, nên họ thường phơi khô hoặc xâu thành chùm treo giàn bếp để dùng dần.
Măng nứa được người dân huyện Sơn Tây bóc sạch vỏ  bán cho các điểm thu mua trên địa bàn.
Cùng tham gia thu hoạch măng nứa từ những ngày đầu mùa, chị Đinh Thị Ri, ở xã Sơn Liên có thêm được nguồn thu nhập trong lúc mùa rẫy chưa bắt đầu. “Hằng ngày, vợ chồng tôi phải dậy từ sáng sớm, mang theo cơm vào rừng tìm măng đến chiều mới xuống núi. Công việc bẻ măng cũng khá vất vả vì măng thường mọc trong rừng, trên núi cao. Nhưng được cái cây măng nứa mọc tự nhiên nên ai giỏi, chịu khó thì thu hoạch được nhiều, bán được nhiều tiền”, chị Ri bày tỏ.
 
Theo người dân, măng sau   khi thu hoạch sẽ được bóc lớp vỏ ở bên ngoài, chỉ lấy phần ruột non bên trong. Nghề này tuy vất vả nhưng người dân vùng cao Sơn Tây vẫn xem đây là "lộc rừng", vào mùa tập trung khai thác để cải thiện cuộc sống.
 
Hằng năm, người dân huyện Sơn Tây khai thác khoảng 50 - 60 tấn măng tươi. Toàn bộ măng sau khi thu hoạch đều được thương lái thu mua với giá từ 10 - 13 nghìn đồng/kg măng tươi, 15 nghìn đồng/kg măng luộc sẵn và 300 nghìn đồng/kg măng khô. Nhờ đó, người dân ở huyện miền núi này có thêm thu nhập đáng kể vào mùa mưa.
 
Hướng tới sản phẩm OCOP
 
Toàn huyện Sơn Tây hiện có gần 300ha nứa, trong đó tập trung tại rừng phòng hộ ở 2 xã Sơn Liên và Sơn Bua. Hiện diện tích này đã được giao khoán cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ. Vì vậy, hằng năm ngoài khoản phí khoán bảo vệ rừng 400 nghìn đồng/ha/năm, các hộ dân được giao khoán bảo vệ còn có thêm khoản thu nhập từ việc khai thác măng nứa. Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác măng nứa hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp cải tạo, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng măng theo hướng thâm canh nên năng suất thấp. Bên cạnh đó, việc khai thác và chế biến măng nứa còn mang tính truyền thống, nên sản lượng măng nứa khai thác chưa cao, sản phẩm đơn điệu, chủ yếu là măng tươi, măng khô, măng muối chua...
 
Từ thực trạng đó, huyện Sơn Tây đang định hướng sẽ quy hoạch, cải tạo lại rừng nứa, nhằm tăng độ giàu của rừng, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt. Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc để chế biến, đóng gói hút chân không nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm măng nứa trên thị trường.
 
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến, hiện Sở KH&CN đang hỗ trợ huyện triển khai dự án Ứng dụng KHCN khai thác, phát triển sản phẩm măng vót theo chuỗi giá trị. Đây là cơ hội để Sơn Tây xây dựng chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến và tiêu thụ măng vót trên địa bàn, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Qua đó, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các sản phẩm măng vót theo Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
 
Vị đặc biệt
 
Măng nứa ở Sơn Tây có vị ngọt, giòn, đậm chất tự nhiên, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như luộc, xào, hầm, kho thịt, làm gỏi hoặc phơi khô hay ngâm chua để dành ăn quanh năm...  Đối với người dân miền núi, măng nứa đã trở thành món ăn không thể thiếu, nên họ thường phơi khô hoặc xâu thành chùm treo giàn bếp để dùng dần.
 
Bài, ảnh: AN NHIÊN
 
 
 

.