Khắc phục và hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi

02:09, 08/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, 132 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi lo lắng trước tình trạng heo chết sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF).
 
[links()]
 
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, vắc xin phòng bệnh ASF mà người dân các xã Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Thọ, Tịnh Hà (Sơn Tịnh) và Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) mua và tiêm cho heo là loại Navet-Asfvac, quy cách 25 liều/lọ và bào chế ở dạng đông khô có kèm nước pha tiêm, do Công ty CP thuốc Thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) sản xuất và cung ứng.
 
PV: Xin ông cho biết ngành nông nghiệp đã kiểm tra, khắc phục sự cố này như thế nào?
 
Ông Hồ Trọng Phương: Qua kiểm tra, người dân cho biết đã mua vắc xin phòng bệnh ASF tại cửa hàng thuốc thú y Thiện Nghĩa, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), sau đó cán bộ thú y tiến hành tiêm hoặc người dân tự tiêm cho 717 con heo. Sau khi tiêm từ 5- 7 ngày, thì 258 con heo có triệu chứng bỏ ăn, nóng sốt, nằm li bì, trong đó có 30 con bị chết. Ngay khi nắm bắt thông tin trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Công ty Navetco tập trung hướng dẫn người dân cách ly, chăm sóc, điều trị theo triệu chứng, tiêm thuốc trợ sức; lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng IV Đà Nẵng xét nghiệm, phân tích và xác định cụ thể nguyên nhân. 
 
Đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với những con heo bị chết sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ảnh: PV
Đoàn công tác của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với những con heo bị chết sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ảnh: PV
Khẩn trương tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và hướng dẫn người dân xử lý heo chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y; tiếp tục theo dõi, giám sát, lấy mẫu các trường hợp heo phản ứng, chết sau tiêm vắc xin để xác định nguyên nhân. Đồng thời, thống kê chính xác số heo có phản ứng nặng, chết và đề nghị Công ty Navetco hỗ trợ cho người  dân theo mức 2 triệu đồng/heo nái và heo đực giống; 1 triệu đồng/heo thịt bị chết sau tiêm vắc xin và thuốc, chất bổ trợ để điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng những con heo có phản ứng sau tiêm phòng.
 
Từ ngày 28 - 29/8, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã thành lập Đoàn công tác phối hợp với các cơ quan của tỉnh để điều tra, xác minh cụ thể tình hình heo phản ứng sau tiêm vắc xin Navet-Asfvac trên địa bàn huyện Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi.
 
PV: Được biết, Quảng Ngãi không thuộc nhóm các tỉnh, thành phố được Bộ NN&PTNT cho sử dụng và theo dõi giám sát vắc xin Navet-Asfvac. Vậy vì sao người dân trên địa bàn tỉnh vẫn được cung ứng vắc xin này để tiêm cho heo?
 
Ông Hồ Trọng Phương: Tiêm vắc xin phòng bệnh ASF là cần thiết, nhưng vắc xin Navet-Asfvac là loại mới, chưa được Bộ NN&PTNT cho phép tiêm đại trà trong toàn quốc. Theo Công văn số 4463/BNN-TY ngày 12/7/2022 của Bộ NN&PTNT, chỉ có 24 tỉnh, thành phố được Bộ NN&PTNT chọn triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh ASF, nhằm đánh giá lưu hành vắc xin và đáp ứng miễn dịch bảo hộ trong 2 giai đoạn. Quá trình tiêm vắc xin phải được Công ty Navetco, cơ quan thú y và chính quyền địa phương theo dõi, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình, đối tượng heo được chỉ định tiêm.
 
Quảng Ngãi không nằm trong danh sách 24 tỉnh, thành phố được Công ty Navetco đăng ký và Bộ NN&PTNT lựa chọn tổ chức tiêm thí điểm vắc xin phòng bệnh ASF. Vì vậy, khi người dân trên địa bàn huyện Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi mua và tiêm vắc xin phòng bệnh ASF nhưng không có sự hướng dẫn, giám sát và theo dõi của cơ quan thú y, nên xảy ra thiệt hại đáng tiếc. Trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty Navetco đã không tuân thủ chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trong việc cung ứng và tổ chức tiêm vắc xin. Theo báo cáo của Cục Thú y, trong số 23,344 nghìn liều vắc xin phòng bệnh ASF mà Công ty Navetco cung ứng cho 20 địa phương trong cả nước, thì có đến 17,75 nghìn liều sử dụng không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, tức là quá trình tiêm không có giám sát của cơ quan thú y.  
 
Về phía Sở NN&PTNT cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giám sát việc cung ứng, mua bán vắc xin tại các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và vật tư nông nghiệp còn lỏng lẻo. Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường tuyên truyền, thông tin đầy đủ những loại vắc xin được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng trên toàn quốc. Yêu cầu Thanh tra Sở NN&PTNT cùng với các đơn vị tập trung thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng thuốc thú y, xử lý nghiêm những trường hợp bán vắc xin, thuốc thú y chưa được Bộ NN&PTNT cho phép.
 
PV: Xin cảm ơn ông!.
 
PV (thực hiện)
 
 
 

.