Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

10:02, 05/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy ban hành cuối năm 2021 tiếp tục xác định phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, xây dựng, thực hiện Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch là một trong những giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường của du lịch Quảng Ngãi.
 
Định vị và phát triển thương hiệu du lịch
 
Quảng Ngãi có lợi thế là tỉnh nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, với vị trí mang tầm chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây. Hơn nữa, Quảng Ngãi sở hữu tài nguyên du lịch tương đối đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
 
Bờ biển Mỹ Khê và dòng sông Kinh thơ mộng ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa được khai thác xứng tầm.   Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Bờ biển Mỹ Khê và dòng sông Kinh thơ mộng ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Tuy nhiên, để phát triển du lịch đúng hướng, hiệu quả, có sức cạnh tranh thì phải dựa trên những tài nguyên nổi trội, những giá trị riêng mang lại cho du khách, nhằm tạo động lực để phát triển. Do đó, việc xây dựng, định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi là cần thiết, nhằm xây dựng cho Quảng Ngãi một điểm đến phản ánh đúng tiềm năng, giá trị sản phẩm du lịch của địa phương; đồng thời đưa ra một lộ trình hành động cụ thể để Quảng Ngãi phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, hai tài nguyên du lịch nổi trội, mang tính cốt lõi của du lịch Quảng Ngãi chính là biển, đảo mà Lý Sơn làm đại diện cùng văn hóa Sa Huỳnh với những đặc tính hoang sơ, bình yên, chứa đựng kho tàng giá trị về di sản địa chất, địa mạo, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn chưa được biết đến. Điều này sẽ thôi thúc du khách khám phá sự độc đáo, riêng có của điểm đến Quảng Ngãi, nhất là đối với du khách trẻ tuổi, thích khám phá.
 
Lý Sơn là đảo tiền tiêu chứa đựng kho tàng giá trị di sản địa chất, văn hóa, lịch sử độc đáo. Trải qua 11 triệu năm kiến tạo từ những đợt phun trào núi lửa đầu tiên, thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn quần thể thắng cảnh tuyệt tác, địa hình, địa mạo độc đáo trên bờ, cũng như hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú. Lý Sơn cũng là nơi cất giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá được hội tụ và kết tinh từ ba nền văn hóa cổ của Việt Nam là Sa Huỳnh, Chămpa và Việt cổ...
 
Còn đối với di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh - một trong 3 cái nôi cổ xưa về nền văn minh ở Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam thời kỳ đồ sắt. Quảng Ngãi là trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh, đã có nhiều hiện vật được phát hiện tại Quảng Ngãi như mộ chum, đồ gốm, đồ trang sức, di vật đá... mang giá trị lịch sử, văn hóa cao. Một tầng văn hóa khác kế tiếp văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Chămpa, cũng đã tồn tại và phát triển ở Quảng Ngãi từ đầu công nguyên...
 
Lộ trình xây dựng thương hiệu Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tập trung vào 3 nhóm hành động chính. Đó là, phát triển nhận diện thương hiệu, truyền thông thương hiệu điểm đến và thực thi thương hiệu. Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 7,5 tỷ đồng cho giai đoạn 4 năm (2022 - 2025) từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hoá khác. Mục tiêu nhằm xây dựng “thương hiệu điểm đến” hoàn chỉnh cho Quảng Ngãi. Sau đó là hình thành và nâng cao nhận thức của du khách về thương hiệu điểm đến, với định hướng nâng cao sức ảnh hưởng của điểm đến trong quá trình cân nhắc lựa chọn địa điểm du lịch của du khách.
 
Tạo bước phát triển đột phá  
 
Để thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, tháng 11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch, để đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu của nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi phục hồi và phát triển, có sự đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh và đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá du lịch trong giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2025 đón 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160 nghìn lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân trên 24%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.780 tỷ đồng...
 
Đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) là một di sản thiên nhiên còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác.  Ảnh: Bùi Trung
Đầm An Khê nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) là một di sản thiên nhiên còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác. Ảnh: Bùi Trung
Để đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, Quảng Ngãi đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế; xây dựng, triển khai quy hoạch du lịch trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở tổ chức, phân bố không gian phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Ưu tiên các vị trí tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, tiềm lực tài chính đầu tư các dự án quy mô lớn, chất lượng cao nhằm tạo động lực cho du lịch tỉnh phát triển. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; phát triển TP.Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch; tập trung khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương; đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch...
 
Quảng Ngãi sẽ phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh; xây dựng Lý Sơn trở thành đảo du lịch sinh thái, làm hạt nhân cho phát triển du lịch của tỉnh; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí cao cấp kết nối với khu đô thị - dịch vụ tại Lý Sơn, biển Mỹ Khê, biển Bình Châu, biển Bình Hải, biển Sa Huỳnh. Phấn đấu đến năm 2030, đảo Lý Sơn và khu du lịch (KDL) Mỹ Khê được công nhận là KDL quốc gia; các KDL Sa Huỳnh, Thạch Bích, Bình Châu được công nhận là KDL cấp tỉnh. Đồng thời, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với tham quan thắng cảnh, trải nghiệm môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái ở vùng miền núi; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng, di tích khảo cổ. 
 
Tỉnh khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ du lịch tại huyện Lý Sơn, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (TX.Đức Phổ), trải nghiệm văn hóa Hrê tại huyện Ba Tơ, du lịch miệt vườn Bình Thành (Nghĩa Hành)... Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi du lịch tỉnh giai đoạn 2021 - 2023, đẩy mạnh liên kết, phát triển thị trường và tập trung kêu gọi thành công nhà đầu tư lớn, để du lịch của tỉnh phát triển đột phá trong những năm tiếp theo.
 
 NGÂN PHONG
 
 
 
 

.