Mô hình "Dân tin - Đảng cử": Đột phá từ thôn, tổ dân phố (kỳ 1)

10:09, 26/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Dân có tin, thì Đảng mới cử” - cách làm mới trong công tác xây dựng Đảng được kỳ vọng tạo sự đột phá, nâng cao thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của cán bộ thôn, tổ dân phố trong giai đoạn hiện nay. Từ đó góp phần quan trọng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng ở thôn, tổ dân phố; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở. Với quyết tâm đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, Quảng Ngãi đã triển khai Đề án 07 về việc thực hiện thí điểm mô hình “Dân tin - Đảng cử” tại 3 huyện Ba Tơ, Tư Nghĩa và Bình Sơn từ tháng 5/2022, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét tại 3 địa phương này.
[links()]
 
Kỳ 1: Yêu cầu đổi mới từ thực tiễn
 
Từ chỉ thị nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
 
Năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX ban hành Chỉ thị 14 “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Trong đó, đề ra một số nội dung quan trọng là tăng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên; thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn...
 
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 14 đã từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và sinh hoạt ở các chi bộ cơ sở. Quảng Ngãi hiện có 913/954 chi bộ có chi ủy, đạt 95,7% (tăng 10,22%). Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên là 920/954 đảng viên, đạt 96,44% (tăng 49,08%). Thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có 131/954 thôn, tổ dân phố, chiếm 13,73% (tăng 12,78%); bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận có 280/954 thôn, tổ dân phố, chiếm 29,35% (tăng 28,57%)...
 
Nhưng không chỉ thể hiện bằng những con số, mà điều quan trọng hơn là chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt. Tổng kết Chỉ thị 14, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá: Nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở đảng đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Nền nếp sinh hoạt chi bộ đảm bảo, nội dung sinh hoạt bám sát thực tiễn và kịp thời phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng đến đảng viên; phát huy dân chủ, đồng thời từng bước đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của chi bộ. Nhiều cách làm sáng tạo, phong phú trong việc phát huy tính nêu gương của đảng viên, nhất là khắc phục cơ bản tình trạng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa phải là đảng viên và chi bộ thôn, tổ dân phố chưa có cấp ủy. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình kiêm nhiệm chức danh ở thôn, tổ dân phố đạt kết quả.
 
Năm 2016, thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Thiệp Sơn, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ), anh Dương Minh Tòng được tín nhiệm bầu làm cả “hai vai” này. Anh Tòng chia sẻ, ban đầu tôi khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được Đảng ủy xã động viên, giúp đỡ nên tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trước đây, mỗi khi có việc ở thôn phải tổ chức họp từ 2 đến 3 lần mới thực hiện được, nhưng nay chỉ cần tổ chức một lần là triển khai được ngay. Việc triển khai công việc ở thôn tuy vất vả hơn nhưng cũng thuận tiện hơn.
 
Mục tiêu của Đề án “Dân tin - Đảng cử” nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về năng lực, sức chiến đấu và phương thức lãnh đạo của Đảng. Sắp xếp tổ chức ở cấp thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là người có uy tín cao trong nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng công tác tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng đến thực hiện phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân giám sát - dân thụ hưởng”.

Thôn Thiệp Sơn là một trong số ít thôn trên địa bàn TX.Đức Phổ thực hiện nhất thể hóa 2 chức danh. Một trong những phương thức lãnh đạo mà anh Tòng đặc biệt quan tâm là lấy sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, từ đó tạo sự lan tỏa tới quần chúng nhân dân. Từ khi nhất thể 2 chức danh này, thôn Thiệp Sơn luôn dẫn đầu xã trong các phong trào thi đua của địa phương. Chi bộ thôn đã bám sát nghị quyết đại hội đảng các cấp, lựa chọn những nội dung, vấn đề sát với thực tế cuộc sống để lãnh đạo thực hiện thông qua việc xây dựng những nghị quyết chuyên đề để triển khai. Nhờ đó, Chi bộ thôn nhiều năm liền được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đầu năm 2022, thôn đã đón nhận danh hiệu khu dân cư kiểu mẫu - là một trong 2 thôn đầu tiên của TX.Đức Phổ đạt mục tiêu này.

 
Trong khi đó, huyện miền núi Trà Bồng cũng là điểm sáng của Quảng Ngãi về thực hiện nhất thể hóa hai chức danh ở thôn, tổ dân phố theo Chỉ thị 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Bồng Phạm Minh Long cho biết, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 14, huyện đã rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự phù hợp, nhất là với các thôn vùng sâu, vùng xa. Đối với những địa phương khó khăn về nhân sự thì huyện lựa chọn nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn, tổ dân phố; sau đó, cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ. Các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đều được thông qua ban công tác mặt trận và lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên. Từ đó, huyện mạnh dạn thực hiện chủ trương này ở những nơi có điều kiện.
 
Đến mô hình “Dân tin - Đảng cử”
 
Thực tế ở Quảng Ngãi cho thấy, khi trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, họ được tham gia sinh hoạt chi bộ và trực tiếp cùng bàn bạc, xây dựng nghị quyết, thì việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại thôn, tổ dân phố được toàn diện, giảm các cuộc họp. Những nội dung đưa ra bàn ở các kỳ sinh hoạt chi bộ ngày càng đi vào cụ thể, đúng và trúng với yêu cầu thực tiễn.
 
Cử tri bỏ phiếu bầu Trưởng thôn Phú Lộc, xã Bình Trung (Bình Sơn), nhiệm kỳ 2022 - 2025.  Ảnh: BS
Cử tri bỏ phiếu bầu Trưởng thôn Phú Lộc, xã Bình Trung (Bình Sơn), nhiệm kỳ 2022 - 2025. Ảnh: BS
Tuy nhiên, qua đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị 14, toàn tỉnh vẫn còn 41/954 chi bộ thôn, tổ dân phố chưa có cấp ủy (tỷ lệ 4,3%); còn 34 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên (tỷ lệ 3,56%); 38 trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố chưa là đảng viên (tỷ lệ 3,98%). Tỷ lệ thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa cao. 
 
Ở một số chi bộ thôn, tổ dân phố phần lớn đảng viên là cán bộ hưu trí, lớn tuổi, sức khỏe yếu, cùng lúc đảm đương 2 chức danh vừa làm công tác Đảng, vừa làm công tác chính quyền hoặc công tác Mặt trận thì khó hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc nhiều thôn, tổ dân phố sau sáp nhập có diện tích rộng, dân số đông và số lượng đảng viên tăng nên kiêm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố khó khăn hơn. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, nguồn phát triển đảng viên của thôn tuy có, nhưng đa phần những thanh niên trẻ sau khi xuất ngũ về địa phương thì đi làm ăn xa, số học sinh, sinh viên sau khi ra trường thì không trở về địa phương...
 
Những kết quả cũng như hạn chế của Chỉ thị 14 là yếu tố quan trọng để Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Đề án 07 triển khai mô hình “Dân tin - Đảng cử” với những yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ thôn, tổ dân phố. Đề án được thí điểm tại 3 huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa và Ba Tơ.
 
HOÀNG TRIỀU - THANH THUẬN - BÁ SƠN
 
 
------------
Kỳ 2: Đưa chủ trương về cơ sở
 

.