Ngày Nam Bộ kháng chiến: Trang sử hào hùng

07:09, 23/09/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Hằng năm, vào ngày 23/9, nhân dân ta lại nhớ về “Ngày Nam Bộ kháng chiến” (23/9/1945), ngày mở đầu cho cuộc chiến đấu gian lao mà anh dũng trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến của Nam Bộ “đi trước về sau”.
 
Những tháng ngày không bao giờ quên
 
Đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, được sự hậu thuẫn của thực dân Anh, quân đội Pháp đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, chính thức xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng âm mưu chiếm Nam Bộ để làm bàn đạp đánh chiếm cả nước. Giữ vững lời thề “Độc lập hay là chết”, nhân dân Sài Gòn nói riêng và nhân dân Nam Bộ nói chung đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Ngay trong ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã vấp phải sự chiến đấu anh dũng, quyết liệt của quân và dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, quân và dân Sài Gòn sục sôi khí thế, quyết chiến đấu với quân xâm lược. Khắp thành phố, mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học… đều ngưng hoạt động. Công nhân nhà máy nghỉ việc đồng loạt, nhà đèn bị phá. Hàng vạn thanh niên, học sinh, người lao động, quần chúng yêu nước tự nguyện đào công sự, dựng các chướng ngại vật nhằm bao vây cắt đường giao thông, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Bên trong thành phố, gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Bên ngoài, lực lượng vũ trang siết chặt vòng vây, lấy súng địch đánh địch...
 
Nhận điện báo của Nam Bộ, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra ngay huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp... làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục... Đồng bào phải cương quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”. Ngày 26/9/1945, trên làn sóng Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “Lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ” và khẳng định: “Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
 
Tự hào đoàn quân Nam tiến  
 
Lúc bấy giờ, Chính phủ lâm thời thành lập các đoàn quân Nam tiến, quỹ Nam Bộ kháng chiến... để ủng hộ, chi viện cho Nam Bộ. Chung tay góp sức cùng miền Nam ruột thịt, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đưa lực lượng về góp sức cùng nhân dân Sài Gòn chống quân xâm lược, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
 
Ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, nam nữ thanh niên tỉnh Quảng Ngãi nô nức tham gia tòng quân nhập ngũ, tình nguyện Nam tiến. Ngay trong ngày 25/9/1945, hai trung đội giải phóng quân Lê Trung Đình do hai đồng chí Bùi Truyền Nga và Lê Kích chỉ huy lên đường Nam tiến. Đến cuối tháng 9/1945, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Chi đội Giải phóng quân Lê Trung Đình, do các chiến sĩ du kích Ba Tơ làm nòng cốt, được lệnh tham gia chiến đấu chống giặc Pháp ở Hàng Xanh, cầu Bình Lợi, thuộc mặt trận Bắc Sài Gòn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, một trung đội của Chi đội Lê Trung Đình tham gia chiến đấu ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau...
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh tổ chức được 10 chi đội Nam tiến với khoảng 15.000 chiến sĩ, tham gia chiến đấu ở các chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đến cuối tháng 1/1946, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của tỉnh Quảng Ngãi đã có mặt chiến đấu ở hầu hết các mặt trận nóng bỏng lúc bấy giờ như vùng ven Sài Gòn, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nha Trang, đường 21, biên giới Việt Nam - Campuchia, đường 14, đường 19, Trung Lào... Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã sát cánh chiến đấu cùng với nhân dân Nam Bộ chống giặc và anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
 
Với sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Nam Bộ nói chung, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng, tuy chịu nhiều tổn thất hy sinh nhưng với ý chí sắt đá vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, lực lượng vũ trang cùng nhân dân Nam Bộ đã cầm chân quân viễn chinh Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, khiến chúng không thể nhanh chóng đưa quân ra chiếm miền Bắc, tạo điều kiện cho ta đấu tranh với quân Tưởng. Thời gian 15 tháng cực kỳ quý báu này tạo điều kiện cho cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
 
Đã 77 năm trôi qua, hào khí của Ngày Nam Bộ kháng chiến mãi vang vọng. Ngày Nam Bộ kháng chiến mãi là mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc, là bản tráng ca bất hủ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi thắp sáng con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: "Thành đồng Tổ quốc". 
 
HIẾU THƯƠNG
 
 

.