Bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

05:07, 05/07/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 5/7, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XIII đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên thảo luận.
[links()]
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ được giao và tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết quả này vẫn còn hạn chế. Do đó, tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tìm giải pháp để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, để tổ chức thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên thảo luận tại kỳ họp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên thảo luận tại kỳ họp.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho rằng, kinh tế trong 6 tháng đầu năm tuy có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng của một số ngành chưa cao. Trong đó, ngành nông - lâm - ngư nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết bất lợi và giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp tăng cao. Các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tuy có tăng trưởng nhưng còn chậm so với tiến độ. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Quảng Ngãi cần tăng tốc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo đạt các chỉ tiêu tăng trưởng về kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra.

Giám đốc Sở KH&ĐT tham gia thảo luận tại kỳ họp.
Giám đốc Sở KH&ĐT tham gia thảo luận tại kỳ họp.
 
Nhiều đại biểu cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thì trước mắt phải thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Phạm Minh Đức thông tin, hiện tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đạt 99%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng mũi 2, mũi 3 ở trẻ từ 5-17 tuổi đạt tỷ lệ chưa cao. Hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục phân bổ một lượng lớn vắc xin về tỉnh.
 
Tuy dịch Covid-19 ở Quảng Ngãi đã cơ bản được kiểm soát, nhưng người dân không được chủ quan vì biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, dịch có xu hướng quay trở lại. Do đó, cần tăng cường tiêm phòng Covid-19; tiếp tục mua vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch để chủ động ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra.
 
 
 
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc tham gia thảo luận về các chính sách ở miền núi.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc tham gia thảo luận về các chính sách hỗ trợ đời sống người dân ở miền núi.
 
"Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng quý, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực nội tại của từng ngành. Tiếp tục quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản, thu, chi ngân sách.
 
Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nâng cao kỷ luật, kỷ cương ở các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư hạ tầng. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, trong đó tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể…"
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
BÙI THỊ QUỲNH VÂN

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu dành sự quan tâm lớn đến công tác thu ngân sách; cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số dự án và đời sống của người dân ở miền núi, hải đảo.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho rằng, công tác giáo dục và đào tạo ở khu vực miền núi đang gặp khó khăn, bởi tình trạng thiếu giáo viên. Tỉnh cần quan tâm bố trí biên chế, tuyển dụng giáo viên để chất lượng giáo dục ở vùng cao được nâng cao. Cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng cách giao trách nhiệm này cho địa phương. Ngoài ra, cần trợ lực cho công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch ở khu vực miền núi để người dân có điều kiện thoát nghèo bền vững.
 
Kết luận phần thảo luận, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm giải pháp. Trong đó, cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 5.
 
Nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác vẫn được đặt lên hàng đầu để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, có sự lan tỏa, kết nối, đảm bảo an ninh, trật tự gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung cải cách hành chính, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số.
 
 
 
Các đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua nội dung các nghị quyết tại kỳ họp.
Các đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua nội dung các nghị quyết tại kỳ họp.
 
Chiều 5/7, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XIII đã xem xét và thông qua 6 dự thảo nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, gồm: Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn và mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 nguồn ngân sách trung ương và địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, mục tiêu khác. Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm cho các ngành, các cấp của địa phương và mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Phương án giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư năm 2022 thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh).
 

 

 
 
Tin, ảnh: N.ĐỨC - T.PHƯƠNG

 


.