Lời bậc tiền nhân

11:05, 14/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có nhiều lời căn dặn, tâm tình của các bậc tiền nhân từ cách đây hàng trăm năm vẫn luôn được các thế hệ con cháu khắc ghi, để sống nhân nghĩa, chan hòa, làm việc có ích cho đời.

Sống nhân nghĩa

Trước khi vào khu vực chánh điện của nhà thờ họ Trần, làng Văn Bân, tọa lạc ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), mọi người đều phải bước qua khung cửa vòm có câu đối bằng chữ Hán được đắp nổi, sơn son. Nội dung câu đối có nghĩa là: “Đạo lý lưu truyền ngàn năm dạy/ Luân thường tiếp nối vạn năm theo”. Theo Trưởng tộc đời thứ 12 của họ Trần, làng Văn Bân Trần Văn Tự, câu đối này chính là di huấn của Thủy tổ họ Trần nhắn gửi đến hậu thế, căn dặn con cháu phải sống hợp với khuôn phép, đạo đức ở đời.

Hậu duệ đời thứ 12 của họ Trần, làng Văn Bân, xã Đức Chánh (Mộ Đức) bên 2 trụ đắp nổi xem lời răn dạy của các bậc tiền nhân.
Hậu duệ đời thứ 12 của họ Trần, làng Văn Bân, xã Đức Chánh (Mộ Đức) bên 2 trụ đắp nổi xem lời răn dạy của các bậc tiền nhân.

Thủy tổ họ Trần, làng Văn Bân là Trần Văn Đức cùng em trai là Trần Văn Huy, người Thổ Thành, Diễn Châu (Nghệ An). Cách đây 432 năm, vào năm Nhâm Thìn 1592, hai ông đã đến vùng đất Văn Bân để khai hoang, lập ấp và trở thành tiền hiền của làng này. Hai ông hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân đào 3 con kênh, với tổng chiều dài 24km để lấy nước từ sông Vệ đưa về các cánh đồng. Thủy tổ họ Trần khi ấy dạy người dân học chữ và cách làm ăn, giúp cuộc sống người dân trong làng trở nên no ấm. Ghi nhớ công ơn hai vị, năm 1917, vua Khải Định đã ban sắc phong thần cho Thủy tổ họ Trần là Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần. Để lời căn dặn của Thủy tổ được truyền đời, thế hệ kế cận đã lưu vào gia phả và đắp nổi nội dung di huấn lên khung cửa vòm tại nhà thờ họ tộc. Ngụ ý sâu xa của các tiền nhân mong muốn con cháu trước khi bước vào hương khói cho ông bà, đều nhìn gia huấn để tự nhắc nhở và soi rọi mình.

Trong ngôi nhà rường ba gian, hai chái có tuổi đời ngót trăm năm nằm ở hạ lưu sông Trà Bồng, xã Bình Dương (Bình Sơn), nơi nhà thơ Tế Hanh từng trải qua thuở thiếu thời, có một bảng ghi “Tư Mã Ôn Công gia huấn” bằng chữ Hán, được treo trang trọng ở gian bên trái của ngôi nhà. Bảng gia huấn lược dịch như sau:“Tư Mã Ôn Công nói: Tích lũy vàng để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ nổi. Tích lũy sách để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc học được. Chi bằng tích lũy phước đức, giúp cho con cháu được hưởng lâu dài”.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Vàng (88 tuổi), em phía ngoại của nhà thơ Tế Hanh, bảng gia huấn này do thân sinh nhà thơ Tế Hanh là cụ Trần Tất Tố chép lại. Cụ tâm đắc câu nói của Tư Mã Ôn Công, một nhà chính trị, sử học người Trung Quốc, nên đã lấy đó để răn dạy con cháu giữ lối sống ân tình, đạo đức. “Năm 1981, sau khi mẹ của nhà thơ Tế Hanh mất, ngôi nhà được dùng làm từ đường, thờ tự ông bà, cha mẹ của nhà thơ Tế Hanh và nhiều người trong họ. Tôi đảm nhận nhang khói tại từ đường, vẫn luôn truyền đạt lại cho con cháu trong họ nghe về di huấn này”, cụ Vàng cho biết.

Lời căn dặn vẫn mãi ngân vang

Trải qua hơn 400 năm với biết bao thăng trầm, các thế hệ dòng họ Trần, làng Văn Bân vẫn nỗ lực gìn giữ, làm theo di huấn tổ tiên. Con cháu trong dòng họ đề cao sự học và sống nhân nghĩa. Nhờ vậy, nhiều người được bổ nhiệm làm chức vụ quan trọng ở vùng đất phía nam, như Trấn thủ trấn biên Trần Văn Nghĩa (đời thứ 2), Phụ quốc Thượng tướng quân Thọ Long hầu Đề lãnh Trần Công Vinh, Văn Toàn Nam Huyện lục lại Trần Công Thiện (đời thứ 3), Dương võ hầu Thượng tướng quân Đô chỉ huy sứ Trần Công Hoa, Dương Võ tử Chánh đề đốc Trần Công Hòa (đời thứ 4)... Trong họ tộc, còn có ông Trần Công Tá (đời thứ 3), Trần Công Hưng (đời thứ 6), sau khi ra sức khai hoang, lập ấp, các ông liền đem đất đai sung vào công điền, tạo điều kiện cho người dân cày cấy. Từ đó, hai ông được người dân trong làng ghi ơn, tôn vinh làm tiền hiền và được vua Khải Định sắc phong thần “Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần”, hệt như Thủy tổ Trần Văn Đức, Trần Văn Huy.

Con cháu họ Trần, làng Văn Bân (Mộ Đức) một lòng trọn vẹn hiếu nghĩa.
Con cháu họ Trần, làng Văn Bân (Mộ Đức) một lòng trọn vẹn hiếu nghĩa.

Trong lễ thanh minh và xuân thu nhị kỳ tế lễ vào các ngày 25/12, 7/1 và 9/9 âm lịch hằng năm, con cháu họ Trần, làng Văn Bân dù ai đi ngược về xuôi cũng đều cố gắng tề tựu đông đủ về nhà thờ. Trong ngôi nhà thờ có tuổi đời hơn 300 năm, mọi người cùng thành kính dâng hương lên bàn thờ tổ tiên và kể cho nhau nghe câu chuyện của dòng tộc... “Chúng tôi kể cho nhau nghe về những việc làm nhân nghĩa và lấy đó làm động lực để cùng sống chan hòa, nhân ái, như tiền nhân đã từng”, Trưởng tộc đời thứ 12 của họ Trần, làng Văn Bân Trần Văn Tự chia sẻ.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:05, 14/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.