Nỗi niềm cựu giáo chức

18:11, 23/11/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã hoàn thành sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp trồng người, nhưng nhiều cựu giáo chức (CGC) của tỉnh vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh nhà. Song, hiện nay các chế độ, chính sách cho CGC vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tiếp tục cống hiến

Hàng chục năm cống hiến cho sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, thầy giáo Nguyễn Viết Chu, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Tịnh Long (nay là Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà - TP.Quảng Ngãi) cùng vợ là cô giáo Võ Thị Hữu không may mắc bệnh nan y nên đời sống vô cùng khó khăn. Năm 2018, sau hơn 2 tháng nghỉ hưu theo chế độ, thầy giáo Chu không may bị liệt nửa người do đột quỵ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người thân. Không lâu sau đó, cô giáo Võ Thị Hữu mắc bệnh Basedow - một dạng bệnh tự miễn của tuyến giáp làm cho đôi chân không thể đi lại được vì loãng xương. Thương các con vất vả, cô Hữu cố gắng dành chút sức lực còn lại để ngày đêm chăm sóc chồng. 

Dẫu bệnh tật nhưng thầy Chu vẫn rất tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục, nhất là lo cho học sinh (HS) nghèo. “Tôi mong chính quyền địa phương, nhà trường luôn quan tâm đến sự nghiệp GD&ĐT. Nhất là hỗ trợ HS yếu, HS nghèo để không có em nào phải bỏ học giữa chừng”, thầy Chu gửi gắm.

Các cấp Hội Cựu giáo chức huyện Tư Nghĩa thăm hỏi, động viên thầy giáo Phạm Thế Nga (bên phải), nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Kỳ Bắc.
Các cấp Hội Cựu giáo chức huyện Tư Nghĩa thăm hỏi, động viên thầy giáo Phạm Thế Nga (bên phải), nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Kỳ Bắc.

Sau 19 năm trực tiếp đứng lớp, năm 1998, thầy giáo Phạm Thế Nga, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Kỳ Bắc (Tư Nghĩa) bàng hoàng khi bác sĩ chỉ định cắt bỏ 2 chân do bệnh viêm tắc tĩnh mạch chi dưới. Thầy Nga từ một giáo viên phải chuyển qua làm công việc của một nhân viên bảo vệ để đủ số năm đóng bảo hiểm. Song, sau vài tháng làm nhân viên bảo vệ, địa phương thực hiện tinh giảm biên chế. Thầy Nga chỉ nhận nđược số tiền lương hợp đồng ít ỏi 130 nghìn đồng/tháng. “Tôi rất buồn vì phải rời bục giảng khi còn quá trẻ. Nhìn các đồng nghiệp miệt mài trên bục giảng mà lòng tôi rưng rưng vì nhớ nghề, nhớ trò”, thầy Nga thổ lộ.

Cần được quan tâm

Toàn tỉnh có trên 5.600 hội viên hội CGC, trong đó có 890 hội viên không có lương hưu, chủ yếu giáo viên kháng chiến tại các huyện miền núi, hải đảo và giáo viên nhận trợ cấp BHXH 1 lần khi nghỉ hưu. Trong đó, có trên 260 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ năm 2022 đến nay, Hội CGC tỉnh và một số địa phương gặp khó khăn vì không có kinh phí hoạt động và phụ cấp chức vụ lãnh đạo các cấp hội dẫn đến chất lượng hoạt động của các cấp hội bị hạn chế.

 "Đối với mỗi CGC thì sự quan tâm, sẻ chia về vật chất lẫn tinh thần như sự động viên, khích lệ là rất cần thiết để họ tiếp tục cống hiến trí tuệ vì sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà. Dù đã nghỉ hưu nhưng các CGC vẫn tích cực tham gia vận động HS không bỏ học, trực tiếp phụ đạo giúp HS yếu vươn lên trong học tập; vận động cán bộ, hội viên và cựu HS thành đạt đóng góp xây dựng quỹ và dụng cụ học tập giúp HS nghèo vượt khó. Ngoài ra, một số hội CGC xã đã phối hợp với các hội, đoàn thể mở “Lớp học tình thương” và hội viên trực tiếp hướng dẫn dạy cho trẻ khuyết tật. Nhiều cháu đã hòa nhập học tập tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành)..."

Chủ tịch Hội CGC tỉnh NGUYỄN THÀNH VĨNH 

Chủ tịch Hội CGC huyện Tư Nghĩa Nguyễn Văn Minh cho hay, Tư Nghĩa là một trong số ít địa phương quan tâm cấp nguồn kinh phí hoạt động hằng năm cho hội CGC. Song, lãnh đạo các cấp hội CGC từ huyện xuống cơ sở không có phụ cấp nên việc phát triển hội viên và tìm nguồn cán bộ thay thế để tổ chức Đại hội đại biểu hội CGC các cấp gặp nhiều khó khăn.

Hiện Hội CGC xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) có 65 hội viên, trong đó, có 15 hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và 7 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do mắc các bệnh nan y, tai biến… Những năm qua, hội đã lập danh sách những trường hợp đặc biệt khó khăn gửi lên cấp trên cùng chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được quan tâm, chia sẻ. “Hội CGC là tổ chức được Nhà nước công nhận thành lập và có quyết định thành lập. Những năm trước, địa phương quan tâm đến vấn đề phụ cấp cho cán bộ hội. Song, 2 năm nay, cán bộ Hội CGC xã Nghĩa Kỳ cũng như nhiều địa phương trong tỉnh không có phụ cấp. Vì vậy, các cấp chính quyền cần quan tâm đến vấn đề phụ cấp để tạo động lực cho các cấp hội hoạt động, góp phần vào sự phát triển GD&ĐT địa phương”, Chủ tịch Hội CGC xã Nghĩa Kỳ Đoàn Anh Tuấn mong muốn. 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:11, 23/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.