Trồng tỏi Lý Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP

10:12, 16/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công ty TNHH KH&CN Nông Tín đã thực hiện thành công mô hình canh tác tỏi Lý Sơn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, nâng cao giá trị cây tỏi, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỏi là nông sản chủ lực ở huyện Lý Sơn. Diện tích gieo trồng mỗi năm trung bình khoảng 325ha, sản lượng dao động từ 1.500 - 2.200 tấn, giá trị kinh tế khoảng 150 - 200 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, nghề sản xuất tỏi ở địa phương gặp không ít khó khăn trước những tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường và nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ tỏi còn nhiều bất cập. Trước thực tế nói trên, Công ty TNHH KH&CN Nông Tín  đã đăng ký thực hiện đề tài KH&CN độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp KH&CN phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị". Mục tiêu của đề tài là xác định được giải pháp KH&CN đồng bộ để phát triển sản phẩm tỏi Lý Sơn bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái cho huyện Lý Sơn.

Cán bộ kỹ thuật theo dõi tình hình sinh trưởng của cây tỏi.
Cán bộ kỹ thuật theo dõi tình hình sinh trưởng của cây tỏi.

Qua 3 năm triển khai (tháng 3/2021 - 2/2024), đơn vị thực hiện đề tài đã xây dựng được bộ dữ liệu liên quan đến các yếu tố đặc thù về lý, hóa, sinh học đất trồng và sâu bệnh hại tỏi tại huyện Lý Sơn, làm cơ sở khoa học và thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp canh tác hợp lý cho cây tỏi. Đồng thời, xác định được giải pháp KH&CN hợp lý, hạn chế thay thế đất và cát trong canh tác tỏi Lý Sơn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng được quy trình bảo quản sản phẩm tỏi sau thu hoạch; hình thành quy trình chế biến tỏi, với những sản phẩm tiêu biểu, gồm có tỏi đen, nước uống tỏi đen mật ong, bột tỏi và paste tỏi (sốt tỏi). Cơ quan chủ trì đã xây dựng được các mô hình liên kết tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và bao tiêu toàn bộ sản phẩm tỏi Lý Sơn đạt tiêu chuẩn VietGAP, với năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn với phương thức canh tác truyền thống.

Ông Phan Sơn, chủ nhiệm đề tài cho biết, sau 3 năm triển khai, kết quả đạt được của đề tài đã giải quyết 3 tồn tại lớn đối với nghề sản xuất tỏi ở huyện Lý Sơn. Thứ nhất là hoàn thiện và đề xuất được các giải pháp kỹ thuật canh tác tỏi Lý Sơn đáp ứng yêu cầu năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt hiệu quả kinh tế, môi trường và bền vững. Thứ hai là lựa chọn công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm tỏi Lý Sơn phù hợp, giảm thất thoát sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng. Thứ ba là thực hiện liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm và đề xuất mô hình liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm tỏi Lý Sơn. Đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức vai trò của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế việc khai thác đất cát, đất thịt, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần tăng hiệu quả sản suất và tác động xấu đến môi trường. Xác định và phân biệt các loại bệnh gây hại trên cây tỏi và phương pháp phòng trừ hiệu quả, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tạo được nhiều sản phẩm chế biến từ tỏi Lý Sơn đảm bảo chất lượng, từng bước nâng cao hiệu quả và giá trị cho cây tỏi Lý Sơn.

Bài, ảnh: ANH KHUÊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:12, 16/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.