Du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP: Nâng tầm giá trị nông sản

22:22, 28/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất.

Sản phẩm OCOP thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. Sản phẩm OCOP càng đặc thù, đặc trưng vùng miền thì càng có sức hấp dẫn và thu hút du khách. Đây chính là động lực để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, cũng là kênh kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - Chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP.Hội An (Quảng Nam) cho biết, du lịch nông nghiệp, nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP; còn sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương. Sự cộng sinh giữa hai sản phẩm này sẽ giúp các chủ thể đạt mục tiêu kép, đó là vừa thúc đẩy du lịch, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, xúc tiến và phát triển các sản phẩm OCOP. 
Trong ảnh: Du khách tham quan tại Cát Mộc Farm, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ). 

Như tại điểm du lịch thành cổ Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi), du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng những cổ vật mà có thể tự tay nặn và tạo hình gốm Sa Huỳnh trên bàn xoay, in tranh Đông Hồ từ mộc bản. Hay lắng nghe những bài dân ca, tiếng cồng chiêng của các nghệ nhân và giao lưu âm nhạc vào các dịp cuối tuần. Trực tiếp khám phá và thưởng thức tinh hoa ẩm thực núi Ấn sông Trà hay tìm hiểu quy trình, điều kiện sản xuất cũng như câu chuyện liên quan đến các loại nông sản, đặc sản địa phương. Nét độc đáo, riêng biệt tại điểm du lịch thành cổ Quảng Ngãi chính là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để tỉnh phát triển các tuyến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch cần được tái hiện rõ nét, độc đáo qua các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, đặc sản địa phương hay sản phẩm OCOP. Qua đó vừa thu hút du khách đến với tỉnh, vừa tạo cơ hội để các sản phẩm OCOP, đặc sản Quảng Ngãi theo chân du khách trở về.

Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) Đoàn Phú Việt Nam cho biết, xác định du lịch là một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả, bền vững cùng mức độ quảng bá rộng nên HTX chú trọng việc làm mới các dịch vụ, sản phẩm du lịch, nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên biệt, đặc thù. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần sự hợp sức của chủ thể OCOP, chính quyền địa phương trong việc xây dựng câu chuyện, thương hiệu của từng điểm đến, tránh trùng lặp. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng du lịch nông nghiệp, nông thôn và chương trình OCOP, qua đó mỗi thành viên, mỗi chủ thể OCOP sẽ là một “sứ giả” góp sức phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP nói riêng.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:22, 28/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.