Sẵn sàng cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" thủy sản

17:50, 11/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) làm việc tại Việt Nam từ ngày 10 - 18/10/2023 để kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), xem xét gỡ "thẻ vàng" thủy sản. 

Các địa phương không được thông báo trước về địa điểm kiểm tra. Cùng với các tỉnh, thành phố, Quảng Ngãi đang tăng cường quản lý đội tàu theo hướng rõ người, rõ hiện trạng từng tàu, kiên quyết không để tàu cá không đảm bảo quy định vươn khơi, sẵn sàng cùng cả nước đón đoàn thanh tra của EC.

Kiểm soát chặt tàu cá

Chuẩn bị sẵn sàng để có thể đón Đoàn thanh tra EC đến kiểm tra, Quảng Ngãi đã thực hiện hoàn thành nhiều phần việc. Có 100% tàu cá của Quảng Ngãi đã được cập nhật dữ liệu vào ứng dụng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), 100% tàu cá đã đăng kiểm thực hiện đánh dấu tàu cá... Cùng với đó, tỷ lệ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản, tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đều đạt ở mức cao.

Ngư dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vươn khơi trên những chiếc tàu công suất lớn.  
Ngư dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vươn khơi trên những chiếc tàu công suất lớn.  

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 12,4 nghìn tàu cá xuất, nhập các cảng chỉ định. Công tác quản lý tàu cá tại cảng được Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh siết chặt, với hơn 97% tàu cá xuất, nhập cảng được kiểm tra, giám sát. Rà soát lại nguyên nhân các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên bị mất kết nối trên biển theo thông báo của Cục Thủy sản, tỉnh cũng đã xác minh và xác định, tàu QNg 95555TS tắt thiết bị GSHT trong thời gian nằm bờ, tàu QNg 95979TS bị lỗi thiết bị, tàu QNg 97339TS bị mất kết nối nhưng sau đó đã bị chìm cháy vào ngày 6/1/2023 và không trục vớt được nên đã xóa 
đăng ký...

Thực hiện giai đoạn cao điểm chống khai thác IUU, từ tháng 9/2023 đến nay, tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tàu cá, nhất là các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ bố trí cán bộ và phương tiện kiểm soát chặt chẽ tàu cá tại cửa Sa Kỳ. 
Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ bố trí cán bộ và phương tiện kiểm soát chặt chẽ tàu cá tại cửa Sa Kỳ. 

Phối hợp cùng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ kiểm tra hiện trạng các tàu cá trên địa bàn xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chưa lắp đặt thiết bị GSHT vào ngày 3/10 vừa qua, Đoàn kiểm tra do Sở NN&PTNT chủ trì đã xác nhận, 14 trường hợp tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT tại các địa phương này đều nằm bờ nhiều năm tại cảng Tịnh Kỳ. Trong đó, có nhiều trường hợp tàu cá đã neo đậu ở bờ và không đi biển từ 4 - 5 năm. Tại xã Nghĩa An, Đoàn kiểm tra cũng đã khảo sát thực tế và xác nhận, 14 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT đều đang neo đậu tại địa phương. Trong đó, có 5 tàu cá  không còn khả năng hoạt động.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, bên cạnh theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá qua hệ thống giám sát tàu cá, thì việc kiểm tra thực trạng tàu cá ngoài thực tế là việc làm cần thiết. Từ đó, kiểm tra, xác nhận chính xác hiện trạng từng tàu cá, giúp công tác quản lý đội tàu chặt chẽ hơn.

Hướng đến phát triển bền vững

Quảng Ngãi xác định mục tiêu của chống khai thác IUU không chỉ là gỡ "thẻ vàng" thủy sản mà là để nghề cá hướng đến sự phát triển bền vững. Các ngành chức năng cùng các địa phương ven biển của tỉnh đã siết chặt quản lý, kiên quyết không để tàu không đủ điều kiện vươn khơi, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt hải sản tuân thủ các quy định.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tạ Ngọc Thi (bên trái) phối hợp cùng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ kiểm tra hiện trạng tàu cá. 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tạ Ngọc Thi (bên trái) phối hợp cùng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ kiểm tra hiện trạng tàu cá. 

Theo Trung tá Đỗ Tài Năng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, để chống khai thác IUU, BĐBP tỉnh thực hiện nghiêm nhiệm vụ "gác cửa", kiên quyết không để các tàu cá không đủ các điều kiện theo quy định vươn khơi. Người dân cần xác định rõ điều này và sớm thay đổi cách nghĩ, cách làm, bổ sung các giấy tờ, trang thiết bị theo đúng quy định.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU trong thời gian đến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho rằng, định kỳ hằng tháng, Sở NN&PTNT cập nhật danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU và gửi về UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, có một thực tế là, nhân lực của ngành thủy sản tại các địa phương khác còn mỏng.

Như xã Nghĩa An, dù số lượng tàu cá gần cả nghìn chiếc, nhưng chỉ có một cán bộ vừa phụ trách thủy sản, vừa kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Với tình trạng nhân lực như vậy, rất khó để địa phương làm tốt công tác quản lý cũng như hướng dẫn, tuyên truyền đến ngư dân. Vì vậy, các địa phương cần tính đến giải pháp huy động sự tham gia của các hội, đoàn thể, sự vào cuộc của cấp ủy thôn, tổ dân phố. Phải phân chia từng cá nhân cụ thể, phụ trách từng nhóm tàu cá. Phụ trách ở đây là nắm bắt nhà ở, số điện thoại của từng chủ tàu để tiện liên lạc, cũng như thường xuyên sâu sát, nắm bắt thông tin về hiện trạng hoạt động của tàu cá. Đồng thời, đưa những thông tin chính sách về chống khai thác IUU, hướng dẫn cho người dân.

"Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại các cuộc họp bàn giải pháp chống khai thác IUU. Cấp xã phải là lực lượng nòng cốt", Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười nhấn mạnh.

Cần kiểm soát tàu cá đồng bộ trong cả nước

Mới đây, Đoàn công tác của Chi cục Kiểm ngư Vùng I đã lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính đối với 2 tàu cá của ngư dân Trần Văn Nhau, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Tàu cá của ngư dân Trần Văn Nhau đang đánh bắt tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, nhưng không có giấy phép khai thác hải sản, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và bảo hiểm thuyền viên. Căn cứ biên bản vi phạm hành chính của Chi cục Kiểm ngư Vùng I, UBND tỉnh vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ngư dân Trần Văn Nhau số tiền hơn 850 triệu đồng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, ngư dân Trần Văn Nhau hoạt động đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, nhiều năm không về địa phương.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 trường hợp tàu cá của tỉnh nhưng hoạt động ngoài tỉnh, nhiều năm không về địa phương, gây khó khăn trong quản lý tàu cá. Vì vậy, để quản lý, giám sát chặt chẽ nhóm tàu cá hoạt động ngoài tỉnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các tỉnh, thành phố ven biển, kiên quyết không để tàu không đủ điều kiện theo quy định vươn khơi. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với tàu ngoài tỉnh không đảm bảo các quy định khi hoạt động trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo công tác chống khai thác IUU được thực hiện nghiêm, đồng bộ trong cả nước.

 

Bài, ảnh: Ý THU


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

    

                                             

Xuất bản lúc: 17:50, 11/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.