Đất nước trọn niềm vui

22:54, 29/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bài ca "Đất nước trọn niềm vui" là bản giao hưởng hòa bình luôn mãi ngân vang trên khắp mọi miền Tổ quốc, mang đến niềm tự hào dân tộc trong mỗi người con đất Việt.  

Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng. 
Ảnh: TƯ LIỆU
Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, có một loài hoa nở bung trong nắng hạ, xòe ra như những dàn kèn đồng trong đoàn quân nhạc tấu lên bản giao hưởng đại thắng mùa xuân 1975, đó là hoa loa kèn. Hoa loa kèn xuống phố như hòa chung âm vang của ngày đại thắng, lòng người náo nức hân hoan, thiên nhiên rực rỡ sắc màu. Khúc ca khải hoàn cách đây 49 năm vẫn mãi vang vọng, ngân vang “Đất nước trọn niềm vui”: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay/ Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi!/Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng” (Hoàng Hà).

Dải đất Việt Nam hình chữ S cong mềm mại như dải lụa. Năm mươi tư dân tộc anh em luôn kề vai sát cánh bên nhau viết nên bao trang sử hào hùng, tô thắm thêm truyền thống trầm tích lịch sử của 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đánh dấu khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động, tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong những ngày vui này, chúng ta lại càng nhớ đến Bác Hồ với hành khúc ca vang: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh dành độc lập tự do/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa chiến thắng đã thành công”. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn khao khát: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay từ bản Tuyên ngôn độc lập đọc trên quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Và khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến hồi quyết liệt cam go, Người cương quyết khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như một thông điệp cao cả, một mệnh lệnh trái tim và cao hơn đó là khát vọng độc lập dân tộc. Trước lúc đi xa, Bác có một niềm tin son sắt được chắt lọc trong di chúc: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. 

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh về nguồn tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ.
Ảnh: TRỌNG QUỐC
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh về nguồn tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: TRỌNG QUỐC

Với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, lần đầu tiên trong lịch sử một nước thuộc địa nhỏ bé đã đánh thắng một đế quốc thực dân hùng mạnh. Với đại thắng mùa xuân 1975, lần đầu tiên trong lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta hoàn toàn được giải phóng, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta, hoàn thành cơ bản cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước. Đó là thắng lợi lớn nhất, trọn vẹn nhất trong tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX khép lại ở một chương thắng lợi rực rỡ nhất, vẻ vang nhất.

Đại thắng mùa xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại là thành quả của tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, với quyết tâm sắt đá: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Ý chí ấy đã được hun đúc và phát triển tiếp nối truyền thống lịch sử của cha ông. Trong cuộc hành quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa...” của 5 cánh quân như 5 cánh sao trên lá cờ Tổ quốc với những cỗ xe tăng như những con voi thép, làm ta nhớ lại cuộc hành binh của vua Quang Trung từ Nam ra Bắc giải phóng kinh thành Thăng Long với những cỗ voi chiến áo bào sạm khói thuốc súng. Kế thừa và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, quyết tâm giữ gìn bờ cõi trọn vẹn non sông, từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc - Một chân lý đã được khẳng định, một khát vọng đã được hun đúc bao đời: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất chung một cội nguồn và không thể chia cắt về mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa. Lãnh thổ Việt Nam từ Bắc chí Nam với một dải giang sơn gấm vóc hình sông thế núi tươi đẹp được đắp bồi bằng mồ hôi xương máu của lớp lớp cha ông qua vô vàn cuộc đấu tranh đánh đuổi ách ngoại xâm và chống chọi với thiên nhiên để giữ vững bờ cõi. 

Một đất nước từ ngàn xưa đã truyền dạy đạo lý làm người ý thức về sự thống nhất trong sự yêu thương đùm bọc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.  Đất nước ấy được bao  bọc ken dày vững chắc bởi tấm áo giáp: “Tre xanh, xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi” (Nguyễn Duy). Vì thế, đất nước Việt Nam chúng ta sẽ không có gì khuất phục nổi, không có một khó khăn trở ngại nào không vượt qua, không có một kẻ thù nào mà không đánh thắng.

Tiến về Sài Gòn - thành phố mang tên Bác ngày 30/4/1975 là một cuộc hành trình trải qua biết bao hy sinh gian khó, từ hậu phương tới chiến trường, từ rừng núi xuống đồng bằng, từ đồng bằng vào thành phố, từ Trường Sơn đến Trường Sa... Cả nước dành cho chiến trường: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng là thương mẹ biết bao nhiêu” (Hữu Thỉnh). Tổ quốc với người lính thật thiêng liêng giản dị nhưng không giản đơn mà qua bao trăn trở: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi  20 ai mà không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc/ Cỏ sắc mà ấm quá phải không em” (Thanh Thảo). 

Những cánh quân tiến vào Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 là những sư đoàn chủ lực mà nhà thơ áo lính Nguyễn Đức Mậu trong “Trường ca sư đoàn” đã có những câu thơ nghẹn thắt trong ngày vui chiến thắng: “Nếu tất cả về đây đông đủ/Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn”. Có những người chiến sĩ hy sinh bên cầu Sài Gòn trước giờ Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Đôi mắt anh khép lại cả vòm trời mùa hạ trong xanh. Đôi chân dép lốp cao su của anh dừng lại còn in vệt bùn phù sa của đất đai màu mỡ ba miền.    

Trong những ngày vui tháng Tư này bỗng ngân vang trong tôi “Bài ca thống nhất” của nhạc sĩ Võ Văn Di. Một giai điệu mênh mang trải rộng như cánh đồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long bát ngát, những miệt vườn cù lao xanh lúc lỉu quả ngọt. Khúc ca ấy thật thiết tha, thật mặn nồng: “Biển trời bao la/ Đẹp như gấm hoa/ Nước non muôn màu/ Những con tàu ra Bắc vào Nam...”. 

Sau ngày đất nước thống nhất, đường tàu nối liền hai miền Nam - Bắc gọi là đường tàu thống nhất. Đúng như lời thơ chúc Tết xuân 1969 của Bác Hồ kính yêu: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Ngày đại thắng mùa xuân 1975 vắng Bác, nhưng vẫn có hình ảnh Người trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn. Chiến dịch được mang tên Người - Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thành phố mang tên Người: Thành phố Hồ Chí Minh. Thời đại mới mang tên Người: Thời đại Hồ Chí Minh.

HÀ HUY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 
 

Xuất bản lúc: 22:54, 29/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.