Đi theo tiếng gọi non sông

09:22, 28/04/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao về những con người đã cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Khó khăn lắm tôi mới gặp được ông Vũ Hoài Trang, nguyên Bí thư xã Bình Đông (Bình Sơn), sinh năm 1936, hiện sống tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ông Vũ Hoài Trang sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông. Ông nội của ông Trang là Võ Chánh, từng tham gia phong trào cự sưu chống thuế, thời kháng Pháp. Cha là ông Võ Trung, một cán bộ hoạt động cách mạng tại xã nhà. Gia đình ông là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ huyện và địa phương.

Ngay từ nhỏ, Vũ Hoài Trang được giao nhiệm vụ mang cơm tiếp tế cho bộ đội, liên lạc, cảnh giới địch. Năm 1956, cơ sở bị lộ. Hai cha con ông cùng nhiều cán bộ bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Không khai thác được gì, chúng đành thả ông về một tuần sau đó. Năm 1965, cha ông cùng 61 cán bộ hy sinh trong trận quân Mỹ càn vào Vức 1, thôn Thượng Hòa. Lúc này, Thượng Hòa là căn cứ lõm của khu vực bắc Bình Sơn nên trở thành vùng đứng chân an toàn của cán bộ huyện và địa phương để chỉ đạo phong trào cách mạng. Từ năm 1965 - 1975, ông Trang được điều làm phó ban đấu tranh chính trị binh vận của huyện Bình Sơn.

Ông Trang chia sẻ, niềm tự hào lớn nhất của ông là người đầu tiên dẫn đội tuyên truyền của ban binh vận huyện vào thị trấn Châu Ổ tham gia cùng với lực lượng vũ trang huyện tham gia tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Lúc này, Đội tuyên truyền được trang bị một loa và một băng ghi âm. Được Huyện ủy Bình Sơn điều động nằm vùng tại các xã, viết bài kêu gọi và ghi âm ngay trong đêm. Vào ngày 23/3/1975, địch thua ở  khắp nơi từ cầu Ô Sông (Bình Long) đến Dốc Trạm (Sơn Tịnh), từ Long Giang đến ngã ba Trà Bồng, từ cầu Ô Sông ra Nước Mặn, bị chia cắt Châu Ổ với căn cứ Chu Lai. Bị tấn công dồn dập, đến sáng ngày 24/3/1975, trong khi địch hoảng loạn rút vào thị xã Quảng Ngãi, đội tuyên truyền của ông phát loa đã ghi âm sẵn kêu gọi binh lính địch bỏ súng, đầu hàng.

Hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước

Vượt chặng đường xa, bà Mai Thị Mỹ Lệ, sinh năm 1935 ở thôn Hải Môn, xã Phổ Minh (TX.Đức Phổ) trao cho chúng tôi toàn bộ hồ sơ của bà trong chuyến thăm một người bạn thời kháng chiến ở TP. Quảng Ngãi. Đáng chú ý trong số hồ sơ của bà là Quyết định về việc chuyển chế độ cho cán bộ B do Ủy ban thống nhất ban hành được các đồng chí Phan Triêm - Phó Chủ nhiệm ủy ban thống nhất và đồng chí Nguyễn Thanh Tùng -Phó vụ trưởng Vụ cán bộ miền Nam ký ngày 12/6/1974 và Bản khai hưởng trợ cấp thương tật ngày 26/11/1978. Những con chữ nhỏ nổi bật trên trang giấy ố vàng màu thời gian, cùng giọng kể đầy xa xăm của bà đủ khiến chúng tôi hòa theo cuộc đời suốt những năm tháng tuổi trẻ giành cho quê hương, đất nước.

Sinh ra trong một gia đình trung nông gồm 8 anh chị em. Cha là ông Mai Giảng, cán bộ Việt Minh ở huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ). Mẹ là bà Lê Thị Vịnh, Hội viên Hội Phụ nữ cứu quốc. Ba người anh tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tiếp nối tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của cha anh, tháng 4/1952, bà nghỉ học về tham gia công tác Ủy viên Ban chấp hành thanh niên xã Phổ Minh. Từ tháng 3/1953 - 20/7/1954, làm công tác Thanh niên thôn Hải Môn, Trưởng đoàn phụ trách các Tổ thanh niên đi gác biển ở cửa biển Mỹ Á và Núi Cửa (xã Phổ Vinh) để canh gác và nắm tình hình tàu Pháp ở ngoài biển có hiện tượng bắn phá và đổ bộ vô bờ thì báo động cho nhân dân biết chuẩn bị tản cư.

Cuối năm 1960, cơ sở bị lộ. Huyện ủy Đức Phổ lập tức điều động bà Lệ lên công tác y tế và công tác hội phụ nữ huyện. Ngày 9/2/1970, bà Lệ được sự phân công của Thường vụ Thị ủy Quảng Ngãi cùng đơn vị vũ trang (thị đội) đóng chốt tại vùng ven thị xã ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) để chuẩn bị tiến quân vào nội thị Quảng Ngãi. Trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu, bà bị thương nặng ở má trái, đùi phải, đặc biệt bà không còn cơ hội làm thiên chức của một người mẹ. Vì chấn thương nặng, bà được đưa đi chữa trị nhiều nơi từ Bệnh xá Thị xã Quảng Ngãi, Bệnh viện E2 - Hà Nội; Bệnh viện Quế Lâm, Trung Quốc (8/1970). Sau khi hồi phục, bà trở về học trường Đào tạo E2. Tháng 6/1974, được sự chấp thuận của Ủy ban thống nhất, bà lại lên đường vượt Trường Sơn công tác, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo chế độ đi B tại chiến trường Cam Ranh, Phú Khánh.

Ngày 24/3/1975, tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng cũng là thời gian 49 năm đất nước hòa bình, người người hạnh phúc. Để đạt được thành tựu quý giá đó nhiều người đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

TẠ HÀ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:22, 28/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.