Về đâu những nông dân "hai không"?

08:11, 08/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đằng sau những diện tích đất nông nghiệp nay đã thành đất dự án. Phía sau những ngôi nhà cao tầng mọc lên trên những đồng ruộng năm xưa là tiếng thở dài của những người nông dân“hai không”  - không đất sản xuất, không chuyển đổi được nghề, đang loay hoay tìm sinh kế giữa lòng phố thị.

Những năm trở lại đây, TP.Quảng Ngãi trở thành điểm đến của các nhà đầu tư bất động sản, khi hàng loạt khu dân cư, khu đô thị “kiểu mẫu” lần lượt mọc lên. Đã có 18 dự án bất động sản được triển khai trên địa bàn thành phố, với tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt gần 600ha, trong đó, đất lúa bị thu hồi để chuyển mục đích sử dụng đất chiếm đa số...

Tận dụng mọi khoảng trống

Thi thoảng, trên những tuyến đường sầm uất như Trường Chinh, Phan Đình Phùng nối dài..., người ta vẫn thường hay bắt gặp vài nông dân dắt theo đàn trâu, bò đi tìm nơi chăn thả. Chỉ cần dăm lô đất nền đã phân lô, nhưng chưa xây nhà, nằm xen lẫn giữa các ngôi nhà mặt phố là đã đủ chỗ trống cho đàn bò “dừng chân” gặm cỏ.

Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường Chánh Lộ đang dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình đường sá, cầu cống và các khu đô thị Ngọc Bảo Viên, Phát Đạt…
Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường Chánh Lộ đang dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình đường sá, cầu cống và các khu đô thị Ngọc Bảo Viên, Phát Đạt…


“Lô nào chưa làm nhà, cỏ mọc thì bò ăn. Năm ngoái, năm kia, người ta chưa xây nhà nhiều, thì tui nuôi 6 con. Còn giờ, nhà thi nhau mọc lên, không còn nhiều đất để thả bò, nên tui bán bớt, chỉ giữ lại 3 con”, lão nông 60 tuổi Hồ Sơn, ở phường Nghĩa Lộ phân trần. Lão nông Hồ Sơn, là một trong hàng trăm nông dân của phường Nghĩa Lộ, sau khi nhường đất nông nghiệp để mở rộng đường Trường Chinh và xây dựng các khu dân cư “kiểu mẫu” giờ vẫn còn bấu víu vào nghề nông giữa phố thị để mưu sinh.

Tận dụng mọi khoảnh đất trống để nuôi bò, trồng cỏ, trồng sả... là cách mà người nông dân chậm chạp “ứng phó” với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh như hiện nay. Loay hoay tìm các lô đất mà người ta còn chưa xây nhà để trồng sả, trồng nghệ, bà Phạm Thị Hương, ở phường Chánh Lộ trầm ngâm bảo, mới ngày nào, đoạn Phan Đình Phùng nối dài hãy còn là ruộng lúa, bờ mương, mà giờ đã san lấp rồi trở thành Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Đường mở, hạ tầng phát triển khiến diện mạo đô thị thay đổi hẳn, nhưng cũng khiến bà Hương loay hoay khi nghề nông mà bà gắn bó gần cả cuộc đời, giờ đã không còn đất để “dụng võ”.
 

“Hồi xưa còn đất thì mấy cha con trồng mía, trồng lúa, trồng chuối, nuôi bò, còn giờ hết đất, mấy đứa con chuyển qua làm sửa xe, phụ hồ hết trơn hết trọi. Riêng vợ chồng tôi, người 75 tuổi, người 74 tuổi vẫn chưa biết làm gì”.
Lão nông NGUYỄN DƯƠNG, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi).

Khi nông dân vất vả trong lộ trình đô thị hóa, khiến đàn trâu, đàn bò cũng phải “lận đận” theo. Không còn được tự do tắm táp trên ruộng đồng, cũng không thể chạy nhảy, nhởn nhơ gặm cỏ như trước. Đàn bò giữa phố của nông dân bây giờ phải tập cách kiếm ăn vội vàng trong phạm vi 1 – 2 lô đất mà người ta chưa xây nhà. Rồi không biết được tương lai đàn bò sẽ đi đâu, về đâu, khi mà những lô đất trống ấy sẽ có nhà cửa mọc lên?

Loay hoay tìm sinh kế

Không còn đất sản xuất, không có nghề khác “lận lưng”, những nông dân nhường đất nông nghiệp lại cho các dự án phút chốc trở thành nông dân “hai không”, loay hoay tìm kiếm sinh kế nuôi gia đình. Đất nông nghiệp phút chốc có thể vụt biến thành đất ở, đất dự án với giá trị tăng cao gấp nhiều lần. Nhưng người nông dân thì không thể tự dưng trở thành người khác, với một nghề khác, chỉ trong thời gian ngắn.

Lặng lẽ “điểm danh” những khu vực từng là ruộng đất của gia đình, ông Nguyễn Dương, ở phường Nghĩa Lộ đếm: “Ba sào đất ruộng của nhà tôi giờ thành một khúc của đường Trường Chinh, 1,5 sào ruộng ở Bàu Dợn giờ là khu dân cư Phát Đạt”. Cả 4,5 sào đất nông nghiệp của ông Dương thành đất dự án, đổi lại, ông nhận được hơn 300 triệu đồng tiền đền bù. Song do có đến 7 người con, nên thành thử, dù đã chia cho mỗi người một ít, nhưng cũng chẳng đủ cho các con ông – cũng là những nông dân rặt như ông đổi đời.

“Hồi xưa còn đất thì mấy cha con trồng mía, trồng lúa, trồng chuối, nuôi bò, còn giờ hết đất, mấy đứa con chuyển qua làm sửa xe, phụ hồ hết trơn hết trọi. Riêng vợ chồng tôi, người 75 tuổi, người 74 tuổi vẫn chưa biết làm gì. Còn mỗi cái chuồng bò cũng đành bỏ không, vì không còn đất trồng cỏ”, lão nông Nguyễn Dương ngậm ngùi.

Hàng loạt KDC mọc lên ở phường Nghĩa Lộ, khiến nhiều diện tích ruộng bị ngập úng do không còn kênh mương thoát nước và nông dân đã tận dụng để trồng sen trên ruộng ngập.
Hàng loạt KDC mọc lên ở phường Nghĩa Lộ, khiến nhiều diện tích ruộng bị ngập úng do không còn kênh mương thoát nước và nông dân đã tận dụng để trồng sen trên ruộng ngập.


Những người quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đang đối mặt với những khó khăn vời vợi, khi "nhường" đi mảnh ruộng họ đã gắn bó lâu năm. Ngay cả cánh cửa các nhà máy, cũng khó mở cho các nông dân có tuổi đời 40 – 50 tuổi. Thành thử, khi nông dân không còn ruộng, họ bắt đầu xoay xở mọi cách tìm nghề và chấp nhận làm những công việc nặng nề như phụ hồ, dọn nhà, thông cống... để mưu sinh.

“47 tuổi mà xin vào nhà máy thì ai nhận. Mà ở nhà nuôi con bò, con heo cũng bị xóm giềng “ý kiến”, vì gây mất vệ sinh, mất mỹ quan thành phố. Thành ra khi không còn đất, thì mình mày mò làm thợ điện nước. Điện, nước ế thì mình đi phụ hồ. Nói chung hết việc nọ, thì mình nhảy qua việc kia mới mong có tiền nuôi được hai con đi học”, nông dân Nguyễn Văn Chi, ở tổ 5, phường Nghĩa Lộ thở dài.

Thậm chí, nhiều người, vì không tìm được nghề nghiệp phù hợp, nên phải tha hương đến các thành phố lớn, để kiếm kế sinh nhai. Câu chuyện “ly nông, ly hương” trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng vấn đề là, dù biết, dù nói mãi, nhưng bài toán sinh kế, chuyển nghề cho các nông dân khi mất đất nông nghiệp vẫn chưa nhận được lời giải thấu tình.

“Tất cả các dự án, trong phương án đền bù đều có hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho nông dân nhường đất cho dự án. Song, do nhiều nông dân tuổi cao, lại không xác định được ngành nghề gì để chuyển cho phù hợp, nên khi đưa ra lấy ý kiến công khai thì hầu hết bà con đều chọn nhận tiền rồi tự học nghề. Đây là vấn đề khiến thành phố rất trăn trở”, Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Võ Quang chia sẻ.

Trong khi chờ đợi câu trả lời cho bài toán sinh kế, số nông dân mang hộ khẩu thành phố mất đất nông nghiệp lại tiếp tục gia tăng khi mà trong 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại TP.Quảng Ngãi đang dần tan băng và sôi động trở lại. Đã có hàng trăm hecta đất lúa của nông dân bị chuyển đổi, phân lô ra hơn 16.000 lô đất nền...

Nhưng điều đáng nói là, sau khi vội vàng yêu cầu nông dân nhượng lại đất nông nghiệp, nhượng lại "cần câu cơm" lâu nay, để thực hiện dự án, nhiều nhà đầu tư lại để dự án “án binh bất động”, chứ không vội vàng triển khai. Nhiều dự án vẫn nằm trên giấy, nhưng lúa gạo thì không thể sinh ra từ giấy. Vậy nên, vụ đông xuân và hè thu năm nay, sau 7 năm nhường ruộng đất lại cho Dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ, thấy dự án hầu như vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, bà con nông dân Nghĩa Dõng đồng loạt về lại ruộng xưa, phát quang cỏ dại, xới đất, kéo nước... trồng lúa trở lại. “Họ bỏ hoang đất họ không xót, chứ nông dân chúng tôi xót”, một lão nông 80 tuổi nói trong chua xót.
 

Bài, ảnh: Ý THU

 


CÁC TIN KHÁC
.