Bánh cuốn, quà ăn vặt của tuổi thơ

02:01, 18/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ/ Để trở về với giấc mơ ngày xưa”, chắc rằng ai cũng từng một lần có mong ước như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Chỉ cần cho tôi được trở về ngày xưa” với ký ức tuổi thơ rộn ràng có bạn bè, trò chơi và những món ăn vặt giòn tan, thơm lừng, gợi nhớ bao kỷ niệm.

TIN LIÊN QUAN

Nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần gom góp được những đồng tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng cũ, những đứa trẻ thế hệ 8X như tôi hồi đó liền chạy vù ra đầu ngõ nơi có quán tạp hóa nho nhỏ với bao món hàng hấp dẫn. Ngày ấy, bánh kẹo không nhiều và chưa phổ biến như bây giờ. Những đứa trẻ 8X thường chỉ mong chờ đến Tết mới tha hồ được ăn bánh kẹo. Thế cho nên những đồng tiền lẻ dù giá trị nhỏ nhưng đầy quý giá.

Bánh cuốn chín vàng đều điểm thêm mè đen ăn giòn tan, thơm ngon.
Bánh cuốn chín vàng đều điểm thêm mè đen ăn giòn tan, thơm ngon.


Trong danh sách những món ăn gợi nhớ bao ký ức tuổi thơ có thể kể đến như cà rem, kẹo kéo, kẹo cục, kẹo sing gum, kẹo chanh đen... Còn đối với tôi, không thể thiếu món bánh cuốn mè đen dân dã, ăn giòn rụm, một trong những loại bánh thường gắn bó với những người sinh ra từ làng.

Bánh cuốn làm từ nguyên liệu chủ yếu là bột mì, đường, trứng gà, bơ và không thể thiếu mè đen. Sau khi pha chế, người làm bánh múc từng muỗng hỗn hợp đổ lên cái chảo nóng bắc trên bếp than. Chờ cho mặt bánh chín vàng thì lật trở bánh qua mặt bên kia. Đến khi cả hai mặt bánh đều chuyển sang màu vàng hấp dẫn, nhanh tay dùng chiếc đũa cuốn bánh lại thành hình ống tròn.

Bánh phải cuốn lúc còn nóng thì mới tròn, còn đến khi bánh cứng không thể cuốn được sẽ bị vỡ. Bánh cuốn chín vàng đều ăn giòn tan, thơm ngon, nhất là điểm thêm những hạt mè đen khiến bánh càng thêm hấp dẫn.

Các loại bánh truyền thống như bánh nổ, bánh thuẫn hay bánh mì xốp thường được kính cẩn dâng lên bàn thờ trong những ngày Tết. Còn bánh cuốn cùng “họ” với bánh mì xốp vì nguyên liệu giống nhau, nhưng hầu như chưa có ai dùng bánh cuốn để cúng kiếng. Chẳng cần bao bì bắt mắt, bánh cuốn chỉ cho vào bịch ny lông rồi dùng dây su loại nhỏ cột chặt để giữ độ giòn cho bánh, treo lủng lẳng trên gian hàng tạp hóa. Thế nhưng ai đã từng ăn món bánh giản dị ấy, không thể nào quên hương vị đặc trưng của bánh cuốn giòn.

Thời buổi internet tràn ngập khắp nơi, bánh cuốn không còn đóng gói trong những quán tạp hóa phía sau cổng làng, xóm nhỏ. Bánh cuốn lên hẳn mạng xã hội với giá cả hơn trăm nghìn đồng một ký, ấy vậy mà chỉ cần nhìn hình thôi ai cũng muốn mua. Bởi bánh cuốn không chỉ thơm ngon, giòn tan mà người mua bánh còn như muốn tìm về những hương vị của tuổi thơ, gìn giữ một loại bánh dân dã được chắt lọc từ những kinh nghiệm ẩm thực truyền thống từ xa xưa truyền lại.


HUỲNH THẢO



 


CÁC TIN KHÁC
.