Vốn vay ưu đãi 30a: Vì sao giải ngân thấp?

02:05, 02/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ– CP của Chính phủ, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi có trách nhiệm triển khai nguồn vốn ưu đãi này đến đối tượng hưởng lợi ở 6 huyện miền núi của tỉnh. Thế nhưng, dù nguồn vốn khá dồi dào nhưng hơn 5 năm triển khai, việc giải ngân rất thấp.

Lãi suất thấp, giải ngân cũng thấp

Trên tinh thần Nghị quyết 30a, ngày 23.4.2009, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Việt Nam đã có Quyết định số 480 “về việc quy định chính sách cho vay ưu đãi lãi suất chương trình hỗ trợ các huyện nghèo”. Theo đó, các đối tượng ở 61 huyện miền núi nằm trong Chương trình 30a gồm: Hộ nghèo, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh được vay vốn (hưởng lãi suất ưu đãi) để phát triển sản xuất. Lãi suất cho vay được hỗ trợ 50% lãi suất hiện thời của ngân hàng nông nghiệp, lãi suất ưu đãi này thấp hơn cả lãi suất cho vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

 Nguồn vốn vay ưu đãi 30a giải ngân còn thấp chưa hỗ trợ tích cực cho các hộ dân ở miền núi  phát triển sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Long Mai (Minh Long) làm đất để sản xuất.
Nguồn vốn vay ưu đãi 30a giải ngân còn thấp chưa hỗ trợ tích cực cho các hộ dân ở miền núi phát triển sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Long Mai (Minh Long) làm đất để sản xuất.


Trao đổi với lãnh đạo Agribank Quảng Ngãi về việc triển khai chương trình cho vay ưu đãi thuộc Chương trình 30a được biết, ngân hàng này đã triển khai ngay sau khi có quy định đến các chi nhánh, tổ cho vay vốn, các cán bộ tín dụng cơ sở; đồng thời phối hợp với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương thông báo chương trình cho vay ưu đãi đến các đối tượng hưởng lợi.

Theo khẳng định của lãnh đạo Agribank thì “từ năm 2010, nguồn vốn ưu đãi 30a đã đi vào cuộc sống”, nghĩa là đến nay đã hơn 5 năm, tuy nhiên, dư nợ tín dụng của nguồn vốn này hiện rất thấp. Tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Ba Tơ, dư nợ từ nguồn vốn vay 30a là 30,7 tỷ đồng trên tổng số 165 tỷ đồng dư nợ của ngân hàng này. Huyện Minh Long cũng chỉ giải ngân được 34/76 tỷ đồng tổng dư nợ. Điều này cho thấy, nguồn vốn vay 30a giải ngân ở các huyện này khá khiêm tốn. Theo ông Lê Hồng – Quyền Giám đốc Agribank Quảng Ngãi thì hơn 5 năm qua, ngân hàng cũng chỉ giải ngân 128 tỷ đồng/6.089 hộ vay.  

Sở dĩ, nguồn vốn ưu đãi 30a đến đối tượng hưởng lợi không nhiều là vì nhiều người dân còn “mù” thông tin. Chúng tôi về các huyện miền núi trao đổi với nhiều đối tượng hưởng lợi, đa số đều cho rằng chưa biết nguồn vốn ưu đãi 30a. Một khách hàng đến giao dịch tại Agribank Minh Long, bộc bạch: “Chưa nghe nguồn vốn vay ưu đãi 30a bao giờ. Năm ngoái bí vốn chăn nuôi và trồng rừng quá nên đến ngân hàng nông nghiệp vay 30 triệu đồng để về chăn nuôi. Nếu như được vay với lãi suất ưu đãi giảm một nửa như thế thì tốt quá”.

Với hàng ngàn hộ vay vốn ngân hàng nông nghiệp và ngân hàng chính sách chắc chắn họ cũng chưa nắm thông tin này. Bởi họ thuộc diện được hưởng lợi từ nguồn vốn vay 30a. Song vì không rõ thông tin nên họ chưa tiếp cận được với vốn vay có lãi suất ưu đãi hơn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

  Nhiều hộ đồng bào cần nguồn vốn chính sách để trồng rừng.
Nhiều hộ đồng bào cần nguồn vốn chính sách để trồng rừng.



Nhiều người thuộc diện hưởng lợi không biết đến vốn vay ưu đãi 30a, đó là sự thiệt thòi. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Theo quy định, chính sách cho vay ưu đãi để phát triển các huyện nghèo, giúp hộ khó khăn thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a, ngay từ đầu Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Agribank thực hiện. Có dịp trao đổi với ông Lê Hồng – Quyền Giám đốc Agribank Quảng Ngãi về nguồn vốn vay 30a, ông Hồng luôn khẳng định: “Năm nào, ngân hàng cũng triển khai lồng ghép Chương trình 30a với các chương trình cho vay khác đến bà con. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương, hội đoàn thể không thông báo rõ ràng đến đối tượng hưởng lợi mới dẫn đến nguồn vốn 30a không giải ngân được như mong đợi”.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn khẳng định: Chưa nhận thông tin về chính sách cho vay vốn ưu đãi 30a. Một số địa phương nắm bắt thông tin này thì lại thờ ơ với quyền lợi được hưởng ưu đãi của bà con. Chính vì những lý do này mà vốn vay ưu đãi 30a thì dồi dào, nhưng không giải ngân được bao nhiêu, làm bỏ lỡ cơ hội thoát nghèo của đối tượng chính sách.

*Ông Trần Luyện – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi: “Đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh về việc giải ngân vốn ưu đãi 30a quá ít”
Ý nghĩa của Nghị quyết 30a rất lớn. Từ nguồn vốn ưu đãi này có thể giúp đối tượng vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn, thực hiện những ước mơ của mình. Người nghèo thì sử dụng đồng vốn để thoát nghèo bền vững, người khá giả thì vươn lên làm giàu, góp phần khởi sắc các vùng quê. Ngay từ đầu Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt đến các tổ chức tín dụng Ngân hàng Agribank. Tuy nhiên, để nguồn vốn đến đối tượng hưởng lợi buộc phải có sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương và hội đoàn thể. Nhiều lần ngân hàng đã kiến nghị với UBND tỉnh về việc triển khai nguồn vốn này đến các địa phương, nhưng nguồn vốn giải ngân vẫn không như mong đợi”.  
 
*Ông Nguyễn Thiên Phiến– Phó Giám đốc chi nhánh Agribank Quảng Ngãi: “Tiếp tục chỉ đạo cán bộ tín dụng triển khai mạnh vốn vay 30a”
Ngân hàng vẫn nhận thấy nguồn vốn ưu đãi dồi dào mà đối tượng hưởng thụ còn quá ít. Điều này chứng tỏ, chính sách tín dụng 30a chưa đến được người dân. Trong khi đó, thủ tục cho vay khá đơn giản. Chỉ cần đối tượng vay chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh khả thi thì có thể giải ngân vốn. Trong thời gian đến, Agribank tiếp tục chỉ đạo cán bộ tín dụng, các chi nhánh huyện triển khai mạnh nguồn vốn này.  

*Ông Nguyễn Văn Năm – Giám đốc chi nhánh Agribank Ba Tơ: “Sẽ phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể, chính quyền địa phương”
Trong thời gian đến, ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể tập trung triển khai nguồn vốn 30a đến đối tượng hưởng lợi. Ngân hàng sẽ tư vấn cho dân, tổ chức vay phát triển kinh tế hiểu rõ hơn vốn chính sách để tiếp cận vốn. Tuy nhiên, ở huyện đối tượng vay đa số thuộc ngân hàng chính sách. Trong khi Quyết định của Agribank Việt Nam quy định tại khoản 2 điều 1 là lãi suất chỉ hỗ trợ cho đối tượng vay trả nợ đúng hạn. Nếu quá thời gian quy định, bị chuyển sang nợ quá hạn thì sẽ không được hưởng lãi suất kể từ ngày khoản vay chuyển sang nợ quá hạn.  

Ông Nguyễn Đình Dũng – Chủ tịch UBND xã Long Hiệp (Minh Long): “Chưa nhận thông tin về vốn vay ưu đãi 30a”
Làm chủ tịch khoảng 10 năm nay, nhưng tôi chưa nghe thông tin về nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình 30a mà Agribank triển khai. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, xã luôn tìm hướng đi phù hợp để giúp bà con phát triển kinh tế. Vì vậy vốn ưu đãi cũng là một động lực giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất. Sắp đến, nhận được thông tin này từ phía ngân hàng, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt đến dân.

*Ông Đinh Lợi –  Người dân xã Long Mai (Minh Long): Mong ngành chức năng và ngân hàng sớm triển khai các chính sách ưu đãi đến dân”
Không phải bản thân tôi mà nhiều người dân trong xã cũng chưa biết thông tin về vay ưu đãi từ nguồn vốn 30a với lãi suất thấp. Nếu biết sớm thì chúng tôi có thể vay để chăn nuôi, trồng trọt đỡ phần trả lãi cao gần gấp đôi từ các nguồn vay khác. Rất mong ngành chức năng, chính quyền địa phương có trách nhiệm triển khai các chính sách ưu đãi đến dân kịp thời để người miền núi đỡ phần vất vả trong cuộc sống.

 


Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.