Rà soát để loại trừ bệnh phong từ cơ sở

02:10, 23/10/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi đã loại trừ được bệnh phong trên quy mô cấp tỉnh vào năm 2014. Ở cấp huyện, hiện 4 địa phương cuối cùng là TP.Quảng Ngãi, Mộ Đức, Bình Sơn và Ba Tơ đang rà soát, đánh giá lại các tiêu chí để cuối năm 2020 sẽ loại trừ bệnh phong.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh phong
 
Cùng với việc quản lí, điều trị và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân phong, các xã, huyện còn tăng cường biện pháp tuyên truyền đến tận cơ sở để người dân hiểu đúng về căn bệnh truyền nhiễm này.
 
Tại xã Bình Chánh (Bình Sơn) cán bộ chuyên trách bệnh phong ở Trạm Y tế xã thường phân công nhau đến tận nhà người dân để tuyên truyền. Những thắc mắc của người dân về bệnh phong, cách nhận biết triệu chứng và nhất là cách phòng bệnh như thế nào đều được cán bộ chuyên trách hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để người dân hiểu đúng về căn bệnh này.
 
Cán bộ y tế chuyên trách về bệnh phong đến tận nhà người dân để tuyên truyền
Cán bộ y tế chuyên trách về bệnh phong đến tận nhà người dân để tuyên truyền
 
Từ những buổi tuyên truyền tận cơ sở, nhận thức về bệnh phong của người dân cũng được nâng cao. Nếu như trước đây, khi nhắc đến bệnh phong ai cũng lo sợ và thậm chí có sự kì thị, xa lánh thì nay đã không còn.
 
Bà Bùi Thị Hà Phương ngụ ở xã Bình Chánh chia sẻ: Bệnh phong hồi trước kia tôi cũng nghe nói, cũng từng thấy, nên rất hoang mang, không dám tới gần người bệnh vì sợ lây. Nhưng khi y tế tuyên truyền thì mình biết biểu hiện bệnh là như thế nào. Chỉ cần theo dõi thường xuyên sức khỏe thì sẽ biết cách đề phòng và không còn sợ như trước đây nữa.
 
Không chỉ tuyên truyền tại nhà dân, ngành Y tế còn phối hợp với nhà trường để tổ chức tuyên truyền ngay tại lớp học về bệnh phong. Những câu hỏi dạng trắc nghiệm nhanh được cán bộ Y tế Trạm phát cho mỗi học sinh.  Căn cứ kết quả trả lời sẽ đánh giá được nhận thức, hiểu biết của các em về căn bệnh phong như thế nào.
 
Đa số các em đều nắm rõ kiến thức cơ bản về căn bệnh phong. Những triệu chứng thường gặp, con đường lây truyền và cả các biện pháp phòng bệnh như thế nào cho hiệu quả. Khi các em có được thông tin chính xác về bệnh thì việc tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng sẽ hiệu quả hơn.
 
Em Lê Huyền Trang- học sinh lớp 7A trường THCS Bình Chánh chia sẻ: Ở trường có dạy bệnh phong là bệnh không có di truyền và cũng rất là khó lây. Nếu chúng ta thấy trên da thay đổi sắc màu, cáu véo không đau thì nên nghĩ đến bệnh phong.
 
Cán bộ y tế phát phiếu mẫu điều tra kiến thức về bệnh phong cho học sinh
Cán bộ y tế phát phiếu mẫu điều tra kiến thức về bệnh phong cho học sinh
 
Tại xã Bình Chánh đang quản lý 2 bệnh nhân mắc bệnh phong. Y sĩ Đoàn Thị Phi Lựu- Trạm Y tế xã Bình Chánh cho biết: Cả hai người bệnh được trạm quản lý đều đã bớt hoàn toàn, không để lại di chứng gì và sinh sống cộng đồng tốt. Trạm hàng tháng cũng có lên tận nhà kiểm tra sức khỏe, thăm hỏi động viên. Chúng tôi lên thường xuyên vậy để kịp thời phát hiện vết thương tái phát có thể điều trị, tránh tai biến, để lại hậu quả sau này.
 
Quản lý tốt bệnh nhân, cộng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đang góp phần tích cực loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp huyện. Tỉnh Quảng Ngãi đang trong lộ trình loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện và Bình Sơn và một trong 3 huyện cuối cùng hoàn thành các tiêu chí để loại trừ căn bệnh này.
 
Rà soát để đẩy lùi bệnh phong trên quy mô cấp huyện
 
Toàn tỉnh hiện có 94 bệnh nhân phong đang được quản lí.  Hầu hết các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định, sống hòa nhập với cộng đồng tại địa phương. Như trường hợp của một nữ bệnh nhân tên M. Sau thời gian điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định. Các vết thương hở ở chân không còn và bệnh nhân đã ngừng dùng thuốc kháng sinh.
 
Tuy nhiên, định kì hàng tháng, bệnh nhân được nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và theo dõi các biến chứng nếu có để kịp thời hỗ trợ điều trị. Đồng thời, hướng dẫn cách tự bảo vệ, chăm sóc bản thân, hạn chế thấp nhất các va chạm dễ gây vết thương hở nhằm tránh sự lây truyền mầm bệnh trong cộng đồng.
 
“Tôi phát bệnh từ năm 1980, hồi đó ai mắc bệnh này là bị cả gia đình và làng xóm xa lánh vì sợ lây. Tôi cũng kiên trì điều trị thuốc men theo hướng dẫn của ngành y. Uống thuốc liên tục thì đến năm 1986 khỏi bệnh rồi. Nhưng từ đó đến nay, năm nào tôi cũng được cán bộ y tế ở xã, huyện rồi tỉnh về điều tra sức khỏe, tư vấn cho. Bây giờ thì tôi sinh hoạt bình thường cùng gia đình, không còn bị kỳ thị nữa.
 
Hiện toàn tỉnh còn 94 bệnh nhân phong đang được quản lý và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng
Hiện toàn tỉnh còn 94 bệnh nhân phong đang được quản lý và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng
 
Hiện Quảng Ngãi đang rà soát, giám sát thực tế để đánh giá các địa phương có đủ tiêu chí loại trừ bệnh phong hay không. Qua kiểm tra, các bệnh nhân phong tại cơ sở đều được lập hồ sơ, bệnh án đầy đủ, cán bộ y tế thường xuyên giám sát, hướng dẫn chăm sóc, phòng ngừa tàn tật tại nhà.
 
Bác sĩ Lê Quang Hải- Thành viên Hội đồng kiểm tra loại trừ bệnh phong qui mô cấp huyện cho biết: Theo quy định trong 3 năm, địa phương không có lưu hành bệnh nhân phong, hoặc có với tỷ lệ dưới 0,2/10.000 dân, phát hiện bệnh nhân với tỷ lệ dưới 1/100 người dân, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân mắc mới có di chứng độ 2 dưới 15%. Đồng thời, điều tra ngẫu nhiên cán bộ, nhân dân và các em học sinh về kiến thức đối với bệnh phong, nếu tỷ lệ đạt 100%. Thì địa phương đó hoàn thành cả 4 tiêu chí để loại trừ bệnh phong qui mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
 
Tỉnh Quảng Ngãi đã loại trừ bệnh phong qui mô cấp tỉnh vào năm 2014. Theo kế hoạch đến cuối năm 2020, 100% huyện, thị xã, thành phố sẽ công nhận loại trừ bệnh phong qui mô cấp huyện. Để thực hiện mục tiêu này, Ngành Y tế đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng truyền thông, tăng cường giám sát cộng đồng và quản lí chặt chẽ người bệnh. Trong 3 năm từ 2017 đến nay không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
 
Bác sĩ Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: Khi các địa phương đã đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong, thì vẫn phải tiếp tục duy trì công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, quản lý hiệu quả sức khỏe của người dân. Tiếp nữa là tăng cường công tác khám cộng đồng, phát hiện, điều trị sớm, tránh gây biến dạng cho bệnh nhân.
 
Phong không còn là tứ bệnh nan y. Người bệnh, nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ có sức khỏe ổn định, tránh được các di chứng tàn tật và có thể hòa nhập cộng đồng như bao người khác. Ngoài việc đạt tiêu chí 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh loại trừ bệnh phong qui mô cấp huyện. Tỉnh Quảng Ngãi đang đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2025-2030 sẽ tiến tới thanh toán bệnh phong.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương

 


.