Dược thiện từ ba ba

02:12, 31/12/2017
.

Ba ba là một trong những nguyên liệu quen thuộc không chỉ trong các nhà hàng. Ba ba có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như ba ba rang muối, ba ba nấu chuối, ba ba nướng muối ớt.

Trong Đông y, nhiều bộ phận của ba ba như thịt, máu, mỡ là những vị thuốc quý trị nhiều bệnh.

Ba ba giàu protein, lipit glucit, các muối vô cơ, các acid amin, iod, sinh tố A và D. Thịt ba ba vị ngọt, tính bình; vào can, thận. Có tác dụng tư âm dưỡng huyết, lương huyết thanh nhiệt, bổ thận cường kiện gân cốt. Dùng tốt cho người sốt nóng đau nhức xương khớp do phong thấp, sốt nóng do bệnh lý hệ thống miễn nhiễm, hội chứng lỵ mạn tính, huyết khối, huyết trắng, các dạng u bướu sưng nề (trưng hà tích tụ).

Sau đây là một số dược thiện từ ba ba:

Ba ba hầm xương sông lá lốt: Ba ba 1 con (300-500g), lá lốt 60g, xương sông 60g. Ba ba làm sạch bỏ mai, đầu và ruột, chặt nhỏ; lá lốt, xương sông thái nhỏ; thêm gia vị, dầu ăn; thêm nước sôi hầm chín hoặc nấu cách thủy; có thể thêm đậu phụ, chuối xanh, rau bắp, dứa (thơm). Dùng ăn bổ dưỡng, dùng cho bệnh nhân sốt rét lách to, phong thấp.
 

 Ba ba hầm sơn dược long nhãn rất tốt cho người lao phổi, viêm khí phế quản mạn tính; suy nhược cơ thể, biếng ăn, thiếu máu, xơ gan,…
Ba ba hầm sơn dược long nhãn rất tốt cho người lao phổi, viêm khí phế quản mạn tính; suy nhược cơ thể, biếng ăn, thiếu máu, xơ gan,…


Ba ba hầm thục địa kỷ tử: Ba ba 1 con (300-500g), kỷ tử 30g, thục địa 20g, có thể thêm nữ trinh tử 15g. Ba ba đã làm sạch, chặt nhỏ, kỷ tử, thục địa, nữ trinh tử cho vào nồi, thêm nước sạch vừa đủ, nấu chín nhừ, bỏ bã dược liệu, thêm gia vị. Dùng cho trường hợp lao phổi, viêm khí phế quản mạn tính, suy nhược cơ thể, biếng ăn, thiếu máu, xơ gan, viêm gan mạn, hồi hộp khó thở, tim đập mạnh.

Canh ba ba sơn dược long nhãn: Ba ba 1 con, sơn dược 30g, long nhãn 15g. Cho ba ba đã làm sạch chặt nhỏ, sơn dược, long nhãn vào nồi, thêm nước sôi vừa đủ, hầm nhừ, thêm gia vị. Dùng tốt cho người lao phổi, viêm khí phế quản mạn tính; suy nhược cơ thể, biếng ăn, thiếu máu, xơ gan, viêm gan mạn, hồi hộp khó thở, tim đập mạnh.

    Thoát khỏi hơn 20 năm vật lộn với bướu cổ, bí quyết vô cùng đơn giản!

Ba ba, thịt dê hầm thảo quả: Ba ba 1 con (khoảng 300g), thịt dê 300g, thảo quả 5g, gừng tươi, bột tiêu, muối ăn và các gia vị thích hợp khác. Ba ba làm sạch, bỏ đầu móng, mai và nội tạng, chặt nhỏ; thịt dê thái lát to tương ứng như thịt ba ba. Cho ba ba, thịt dê vào trong nồi, thêm thảo quả, gừng tươi, nước sạch; đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, thêm muối ăn, hồ tiêu và các gia vị khác, chia ăn nhiều bữa. Món này rất tốt cho người thể thận âm hư, tỳ thận dương hư biểu hiện đau đầu ù tai, chóng mặt, sốt nóng dao động, vã mồ hôi trộm, đau quặn lạnh bụng, ăn kém, chậm tiêu.

Ba ba hầm bối mẫu: ba ba 1 con, bối mẫu 5g. Ba ba bỏ mai, bỏ ruột, làm sạch thái lát, thêm nước luộc gà hoặc nước phở lẩu vớt bỏ váng mỡ 100ml, thêm muối mắm, dấm, gừng, hành, gia vị, hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ, ăn khi vừa nguội. Thích hợp cho người âm hư đạo hãn, ho suyễn, sốt hâm hấp.

Ba ba hầm râu ngô: thịt ba ba 100g, râu ngô 10g, sơn tra 8g, táo đỏ 3 quả, gừng 3 lát, muối vừa đủ, nấu với nước, bỏ râu ngô, ăn cả nước và cái. Cách 2 ngày làm 1 lần. Tác dụng dưỡng âm, bổ huyết, giảm mỡ và hạ huyết áp.

Ba ba hầm ngó sen: thịt ba ba nấu với ngó sen để chữa băng huyết, rong kinh. Nấu với chân giò lợn và đại táo làm thuốc tăng tiết sữa.

Rượu tiết ba ba: Tiết ba ba pha với rượu uống nóng giúp phục hồi sức khoẻ cho người mới ốm dậy, chữa hoa mắt, choáng váng, bốc hỏa, khó thở, kém ăn.

Tiết ba ba pha mật ong: trị đái đường, hen suyễn, bệnh tim mạch và đường ruột.

Mỡ ba ba dùng bôi ngoài chữa bỏng, lở loét, vết thương, trĩ.

Trứng ba ba (lòng đỏ) gói lá chuối nướng chữa kiết lỵ mạn tính; dùng lòng trắng để bôi trị trĩ...

Kiêng kỵ: Người bị tiêu chảy, lỏng lỵ không dùng.
 

Theo Lương y Thảo Nguyên/suckhoedoisong.vn

 


.