Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ

02:10, 05/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gia đình hạnh phúc không phải là có con gái hay trai, mà là tình yêu, sự sẻ chia xuất phát từ trái tim của mỗi thành viên trong gia đình. Chưa hẳn con gái ít hiếu thuận hơn con trai, hay ngược lại. Có rất nhiều gia đình sinh con "một bề", nhưng vẫn có hạnh phúc trọn vẹn, khi các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận với cha mẹ...     

TIN LIÊN QUAN

                                          
Ở thôn Kim Thành 1, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), gia đình nhỏ của vợ chồng anh Mai Văn Thương và chị Nguyễn Thị Mười, là tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.  Anh Thương là con trai trưởng, nên việc thờ cúng ông bà tổ tiên do anh đảm nhận. Vợ chồng anh lần lượt sinh hai cô con gái, thay vì tiếp tục sinh để kiếm con trai như các gia đình nông dân khác, anh bàn với vợ “dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”. Anh Thương quan niệm: Con nào cũng là con, con gái cũng có thể thành đạt, có hiếu với ông bà, bố mẹ như con trai.

Một gia đình xã biển Nghĩa An sinh 4 con, bởi kiếm con trai để theo nghề biển.
Một gia đình xã biển Nghĩa An sinh 4 con, bởi kiếm con trai để theo nghề biển.


Dù gia đình làm nghề nông, kinh tế không khá giả, nhưng vợ chồng anh Thương luôn nỗ lực chăm lo cho hai con gái học hành chu đáo. Không phụ công cha mẹ, hai con gái của anh chị (đang học THPT) đều chăm ngoan, nhiều năm liền là học sinh giỏi và hiếu thảo với ông bà, bố mẹ.
 

Bên cạnh kết quả đáng mừng trong tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, hiện nay vẫn còn không ít gia đình chưa hài lòng với hạnh phúc khi sinh con “một bề”, vẫn tiếp tục sinh để kiếm con trai. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh ĐẶNG CHÍNH

Anh Thương, tâm sự: “Gia đình tôi hiện có 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi không phải là nhà cửa hay tiền bạc, mà chính là hai cô con gái chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ”.

Còn với vợ chồng chị Nguyễn Thị Cảm, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), nhiều năm qua, vợ chồng chị luôn cố gắng chăm lo cho hai cô con gái ăn học thành tài. Con gái lớn của chị Cảm hiện là bác sĩ công tác tại TP.Hồ Chí Minh, con gái út  là giảng viên Trường Đại học Nông lâm.

“Mặc dù chồng tôi là con trai duy nhất trong gia đình, nhưng tôi may mắn được làm dâu trong gia đình mà mẹ chồng có quan điểm hiện đại, coi con gái cũng như con trai, cháu gái cũng như cháu trai. Còn chồng tôi thì rất hiểu và thương yêu vợ con, nên trong gia đình mọi người dù nam hay nữ đều bình đẳng và tôn trọng nhau. Chính vì vậy, tôi chưa bao giờ cảm thấy bị áp lực khi sinh con một bề là gái”.

Còn đối với anh Trần Anh Trường, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), việc dừng lại ở hai con, dù một bề gái, ban đầu cũng bị bố mẹ phản đối. Bởi ông bà muốn có cháu trai để thờ phụng sau này. Tuy vậy, anh chị quyết định dừng lại ở hai con. Nhờ đó mà vợ chồng anh chị đã có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hai con gái đều là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Thời gian qua, thực hiện Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, hằng năm các địa phương đều tổ chức gặp mặt các gia đình tiêu biểu sinh con "một bề", thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Các gia đình đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong nuôi dạy con cái thành đạt, cũng như thực hiện tốt chính sách dân số. Từ câu chuyện của những gia đình hạnh phúc “một bề”, có thể thấy rằng, điều quan trọng hơn cả không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người có ích.
    

Bài, ảnh: Trí Phong


 


.