Không nên chủ quan với bệnh trầm cảm sau khi sinh

10:07, 30/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phụ nữ sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ngày càng cao, nếu như không có sự quan tâm từ gia đình, điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, hiện nay cứ khoảng 100 người thì có 8-10 người có dấu hiệu bệnh trầm cảm, trong đó có nhiều trường hợp phụ nữ sau khi sinh.  Có nhiều bệnh nhân không được phát hiện sớm, dẫn đến hệ lụy đau lòng như tự giết con mình, tự tử...

Khi người bệnh “lên cơn”

Khi đang làm việc ở ngoài tỉnh, anh T.T.Đ ở Ba Tơ hay nhận được điện thoại của vợ tâm sự những lời buồn chán, có ý nghĩ muốn chết. Lúc đầu, nghĩ vợ buồn nói vu vơ, dần về sau anh mới nhận ra vợ anh có nhiều suy nghĩ bất ổn, tâm trạng rất căng thẳng. Được biết, chị G (26 tuổi), vợ anh Đ, vừa sinh con được 3 tháng. Chị làm việc ở huyện miền núi, còn chồng làm ở lĩnh vực xây dựng, nên thường xuyên đi công trình ngoài tỉnh, có khi vài tháng mới về nhà.

 Phụ nữ trong thời điểm thai sản cần được quan tâm về sức khỏe tâm thần.             ẢNH: KN
Phụ nữ trong thời điểm thai sản cần được quan tâm về sức khỏe tâm thần. ẢNH: KN

Chị G vừa bị áp lực chăm con, phải thức khuya, dậy sớm; tâm lý bất ổn, sợ chồng không chung thủy. Những lo lắng của chị G lại không được chia sẻ, an ủi, nên khiến bệnh trầm cảm dần chuyển sang nặng hơn. Sau khi được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, được bác sĩ điều trị, tư vấn, cộng với sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình, chị G đã dần khỏi bệnh.  

Chị G chỉ là một trong nhiều trường hợp phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh. Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ Đặng Trong cho biết, cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh. Đó là chị H, quê ở huyện Lý Sơn. Sau khi sinh con, áp lực cuộc sống khiến chị H rơi vào trạng thái trầm cảm, loạn thần, ảo giác. Đáng tiếc là người nhà không phát hiện sớm, để điều trị kịp thời, dẫn đến hệ lụy đáng tiếc là chị H đã nhẫn tâm ném con mình xuống giếng. Khi được điều trị, tinh thần ổn định, chị H cứ mãi day dứt về hành vi giết con. Hay như trường hợp chị T, quê xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), mới đây, do áp lực nuôi con nhỏ, trong khi kinh tế khó khăn, nợ nần, chị bị trầm cảm nghiêm trọng nên đã tự tử, để lại con thơ và nỗi đau cho gia đình...
 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 7 phụ nữ thai sản thì có 1 người bị trầm cảm (tỷ lệ 13-15%), bao gồm các giai đoạn trầm cảm chủ yếu và nhẹ trong khi mang thai hoặc trong 12 tháng đầu sau khi sinh. Ở nước ta, qua một số nghiên cứu, tỷ lệ trầm cảm sau sinh chiếm từ 13-18%.

Cần hỗ trợ từ gia đình

Theo bác sĩ Đặng Trong, các triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện rất sớm sau khi sinh vài ngày hoặc muộn hơn trong vòng 1 năm sau sinh. Biểu hiện bệnh có thể nhẹ tự khỏi, gọi là buồn sau sinh; mức độ nặng hơn bệnh kéo dài từ 2 tuần trở lên và phải điều trị, gọi là trầm cảm điển hình; trầm trọng hơn nữa bệnh nhân có hoang tưởng và hành vi nguy cơ cho con, cho chính họ và người khác, gọi là loạn thần sau sinh. Trầm cảm điển hình là dạng hay gặp nhất, với biểu hiện bà mẹ sau khi sinh con rơi vào trạng thái suy nhược, mất sinh lực, lo âu, hoảng hốt, căng thẳng, bị ám ảnh, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon,  cảm  giác  xấu  hổ  hoặc  tội  lỗi, khóc lóc, tâm trạng bất an...

Một số yếu tố tâm lý, tâm lý xã hội đã được chứng minh có liên quan đến trầm cảm sau khi sinh như: Có tiền sử trầm cảm, thất nghiệp, thu nhập thấp, học vấn thấp, thai ngoài ý muốn, giới tính của con, sức khỏe con yếu, con chết sau sinh, mối quan hệ vợ chồng trước hoặc sau sinh không tốt, thiếu sự hỗ trợ của gia đình, bạo lực từ chồng hoặc gia đình...

Để phòng ngừa bệnh trầm cảm ở phụ nữ sau khi sinh cần sự quan tâm từ phía người thân trong gia đình, nhất là người chồng, phải động viên, gần gũi và chia sẻ với thai phụ trong suốt thời kỳ mang thai cho tới lúc chuyển dạ, chăm sóc em bé sau sinh. Cần thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe bà mẹ trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh. Đối với trường hợp trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần sau sinh nên cách ly mẹ và con để đảm bảo an toàn cho con. Khi ổn định mới cho tiếp xúc mẹ con trở lại và phải được theo dõi kỹ. “Điều quan trọng là không gây áp lực, căng thẳng mà phải tạo ra bầu không khí thoải mái, ân cần, chăm sóc các bà mẹ sau khi sinh chu đáo là một cách phòng ngừa bệnh trầm cảm sau sinh hiệu quả nhất”, bác sĩ Trong nói.


TRÍ PHONG


.