Chủ động phòng, chống dịch bệnh ở người

09:03, 04/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Số lượng trẻ em, người già nhập viện tăng cao.

TIN LIÊN QUAN


Trong những ngày qua, lượng bệnh nhân nhi, người già đến khám và nhập viện tại các tuyến bệnh viện trong tỉnh tăng đáng kể. Chủ yếu là bệnh về hô hấp, như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản... người già bị tim mạch, huyết áp và tai biến mạch máu não...

Người già, trẻ em nhập viện tăng

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhi điều trị nội trú tăng cao, với 221 trẻ. Trong khi số giường thực kê của khoa chỉ có 110 giường bệnh, nên nhiều trẻ phải nằm giường ghép để điều trị bệnh, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản cấp và tiêu chảy... Cùng với đó, bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Năm 2016, bệnh tay chân miệng xuất hiện ở 12/14 huyện, thành phố.

Thời tiết giao mùa, người cao tuổi cần đề phòng bệnh tai biến.
Thời tiết giao mùa, người cao tuổi cần đề phòng bệnh tai biến.


Hiện tại Khoa Nhi có 5 bệnh nhân đang điều trị. Tại các phòng khám tư trên địa bàn thành phố cũng có khá đông bệnh nhân nhi đến khám. Trung bình, một số phòng khám lớn tiếp nhận khoảng hơn 50 bệnh nhân đến khám và điều trị/ngày. “Nếu trẻ có hiểu hiện sốt, mệt mỏi không nên cho ra ngoài trời. Cho trẻ ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Khi có dấu hiệu bất thường nên đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh, không tự ý cho trẻ uống thuốc ở nhà”, Trưởng Khoa Nhi, bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ khuyến cáo.

Tại Khoa Tim mạch, số bệnh nhân điều trị nội trú dao động từ 190-210 bệnh nhân, trong khi khoa chỉ có 95 giường bệnh. Trưởng Khoa Nội tim mạch, bác sĩ Trịnh Quang Thân cho biết: “Khi thời tiết thay đổi đột ngột và nhiệt độ xuống thấp, người già rất dễ bị tăng huyết áp, khó thở do tim mạch. Với những người huyết áp mãn tính rất khó kiểm soát, nên nguy cơ tai biến mạch máu não rất cao”. Vừa qua cơn nguy kịch, ông Nguyễn Anh Dũng ở TP.Quảng Ngãi, cho biết: “Tôi bị bệnh tim mạch mãn tính. Mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc nhiệt độ xuống thấp là bệnh tái phát. Hai ngày qua, thời tiết lạnh, tôi thấy khó thở. May lúc đó có người ở nhà đưa đến bệnh viện kịp thời”.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bác sĩ Hồ Minh Nên cho biết, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây bùng phát các dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đường hô hấp, bệnh về tiêu hóa như: Sởi – Rubella, viêm màng não do não mô cầu, bệnh cúm A (H5N1, H1N1...), tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, đau mắt đỏ...

Điều kiện thời tiết trên cũng làm cho các dịch bệnh như cúm A(H7N9, H5N6), sốt xuất huyết do vi rút Ebola, MER-CoV có nguy cơ xâm nhập vào nước ta cao hơn. Với các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm gia cầm, các bệnh lây qua đường tiêu hóa là bệnh thường xuyên lưu hành trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, các bệnh này chưa có văc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay là nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân là rất quan trọng.

Trung tâm đã chỉ đạo các tuyến y tế dự phòng cơ sở tập trung phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Người dân cần chủ động phòng chống bệnh cúm A ở người bằng các biện pháp như thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc.
    

Bài, ảnh: KN

 


.