Quản lý VSATTP tuyến cơ sở: Nhiều cái khó

02:08, 28/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo quản sơ sài, chất lượng và nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, chưa được kiểm chứng... Đó là cảm nhận ban đầu của rất nhiều người khi tiếp cận các điểm, hàng quán bán thức ăn, đồ uống làm sẵn, thực phẩm tươi sống.

Theo phân cấp, UBND cấp xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tuyến xã) có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Chủ tịch UBND cấp xã có thể phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về ATTP. Tuy nhiên, công tác quản lý lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều bất cập.

Một điểm bán đồ ăn chín không được che chắn, nằm cạnh nơi bán đồ sống tại vỉa hè đường Nguyễn Chánh, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi).
Một điểm bán đồ ăn chín không được che chắn, nằm cạnh nơi bán đồ sống tại vỉa hè đường Nguyễn Chánh, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi).


Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Trưởng Trạm y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi) cho biết, việc quản lý VSATTP trên địa bàn phường được thực hiện hàng tháng. Hằng năm, vào những dịp cao điểm phường đều tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền. Toàn phường hiện có 278 cơ sở chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý của phường, chủ yếu bán đồ ăn sáng, quán nhậu...
 

Năm 2015, qua giám định 40 mẫu thịt heo trên địa bàn tỉnh thì không phát hiện chất cấm (chất tăng trọng, chất tạo nạc). Tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm thịt heo bị nhiễm Salmonella là tương đối cao 26/40 mẫu (65%). Kết quả đó cho thấy điều kiện vệ sinh của chuỗi cung ứng thịt (đặc biệt từ công đoạn giết mổ, đến công đoạn tiêu thụ tại các điểm mua bán) là có vấn đề. Một số hộ trồng rau không tuân thủ các quy định trong sử dụng thuốc BVTV, dẫn đến tỷ lệ rau bị tồn dư thuốc BVTV là 2/35 mẫu (5,7%); 2/4 mẫu tôm bị nhiễm Chloramphenicol... 

Riêng các xe đẩy bán thức ăn, chợ “di động” thì hầu hết không có giấy cam kết VSATTP, giấy khám sức khoẻ. Theo Nghị định 178/NĐ-2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm do Chính phủ ban hành ngày 14.11.2013, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng, nhưng theo bà Thanh thì phường chưa áp dụng mức khung hình phạt này, cao nhất cũng chỉ là vài trăm nghìn đồng, vì họ là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Phường Nghĩa Chánh cũng trong tình cảnh tương tự. Bác sĩ Lê Thị Lệ Thi - Trưởng Trạm y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo VSATTP phường Nghĩa Chánh cho rằng, việc kiểm tra ATVSTP tuy được tiến hành thường xuyên, nhưng cũng chỉ nhắc nhở là chính. Bởi lẽ, để kết luận thực phẩm có bảo đảm an toàn hay không thì cần phải có phương tiện, nhưng hiện tại chỉ có dụng cụ test đơn giản để phát hiện phèn sa trong bún, mì Quảng... độ khét của dầu...

Trên địa bàn phường có rất nhiều điểm dịch vụ ăn uống như các xe bò viên, quán sinh tố vỉa hè, các quán nhậu... hoạt động nhộn nhịp về đêm, nhưng “rất khó" kiểm tra những cơ sở này, vì thời gian hoạt động vào ban đêm, chủ cơ sở không phải là người địa phương.

Thực tế hiện nay, việc kiểm tra VSATTP ở tuyến xã, phường, thị trấn chủ yếu bằng cảm quan, do thiếu thiết bị và người có chuyên môn. Thành viên Ban chỉ đạo VSATTP đều kiêm nhiệm, hoạt động mua bán phần lớn diễn ra vào sáng sớm và cuối giờ chiều, ban đêm nên việc tổ chức đoàn kiểm tra gặp khó khăn. Kinh phí để thực hiện công tác này cũng hạn hẹp...

Theo bà  Nguyễn Thị Rồng, y sĩ, thành viên BCĐ ATVSTP phường Nghĩa Chánh, công tác quản lý lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Do đó, cần nâng cao ý thức cho người kinh doanh và người tiêu dùng. Thực tế đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì không quá khó để thực hiện những quy định của nhà nước, như chỗ bày bán thức ăn cần sạch sẽ, cách biệt các nguồn ô nhiễm, đeo găng tay khi chế biến thức ăn, có dụng cụ che chắn... Người tiêu dùng không tiếp tay cho những hành vi buôn bán không đúng quy định thì chắc chắn công tác quản lý VSATTP sẽ được cải thiện.


Bài ảnh: VŨ YẾN
 


.