Giọt máu nghĩa tình

05:04, 06/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiến máu nhân đạo đã trở thành một trong những hoạt động sôi nổi, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Đặc biệt, trong năm nay đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, tình nguyện hiến tiểu cầu để cứu người.

TIN LIÊN QUAN

“Có bệnh nhân cần là hiến”

Cậu thanh niên Nguyễn Lâm Cận (SN 1989, nhân viên bảo vệ của Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi) không nhớ nổi số lần mình hiến tiểu cầu cấp cứu bệnh nhân. Cận bảo: “Có bệnh nhân cần là hiến. Mình cũng không đếm là bao nhiêu lần nữa”. Khác với hiến máu toàn phần, người hiến tiểu cầu thường không chủ động được thời điểm hiến vì tiểu cầu không thể dự trữ, người hiến phải truyền trực tiếp cho bệnh nhân. Vì thế, “nhiều lúc nửa đêm mà bệnh viện cần là mình đến lập tức”, bạn Trương Quang Trinh (sinh viên năm 2 khoa Cơ khí Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cơ sở miền Trung tại Quảng Ngãi) bộc bạch. Cận và Trinh là hai trong số ít người tình nguyện hiến tiểu cầu có số lần hiến tiểu cầu từ 10-13 lần chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay. Cận tâm sự: “Với những người đang sống bình thường, một vài đơn vị máu hay tiểu cầu có thể là không có gì, nhưng với những số phận kém may mắn đang cần thì đó là cả một cơ hội sống mà họ mong ước.

Giá trị của niềm vui và hạnh phúc là được giúp người lúc hoàn cảnh khó khăn”. Còn với Trinh, mặc dù vấp phải sự phản đối của mẹ nhưng em vẫn tiếp tục hiến tiểu cầu cho bệnh nhân và “cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục được mẹ rằng đây là chuyện tốt cần làm, từ từ rồi mẹ sẽ hiểu thôi”.

Đoàn viên thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu năm 2015.   Ảnh: VŨ YẾN
Đoàn viên thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu năm 2015. Ảnh: VŨ YẾN


Tiểu cầu rất cần thiết cho những người bị các bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm ký sinh trùng (sốt rét...), nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi...), các bệnh về máu (suy tủy xương, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch…). Đặc thù điều trị bằng hóa trị, xạ trị… bệnh nhân ung thư thường dễ bị suy tủy, dẫn tới thiếu máu, đặc biệt là thiếu tiểu cầu. Bác sĩ Huỳnh Thị Thuận – Trưởng khoa Huyết học và truyền máu Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, những năm trước đây, bệnh viện không có thiết bị chiết tách tiểu cầu nên hầu hết các bệnh nhân cấp cứu cần tiểu cầu đều phải truyền máu toàn phần. Tuy nhiên, lượng tiểu cẩu trong máu toàn phần khá thấp, không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Đối với các bệnh nhân cấp cứu hay sử dụng hóa trị cần đến lượng tiểu cầu lớn đều phải chuyển lên tuyến trên…

 Để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng, năm 2014 Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã đầu tư thiết bị chiết tách tiểu cầu. Thiết bị này góp phần rất lớn trong việc cứu người bệnh, tạo sự tiện lợi cho các bệnh nhân hóa trị không phải di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, do chiết tách bằng máy có những yêu cầu riêng nên người hiến tiểu cầu phải được khám và có những tiêu chuẩn chọn lựa riêng, thời gian hiến tiểu cầu cũng dài hơn so với hiến máu.

Mặt khác,  tiểu cầu không lưu trữ được, các trường hợp cấp cứu lại thường rơi vào thời điểm ngoài giờ nên gây khó khăn cho những người hiến tình nguyện. “Những người hiến tiểu cầu rất đáng được tuyên dương. Tuy nhiên, lực lượng này hiện nay còn khá mỏng, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Hy vọng trong những năm tiếp theo sẽ có nhiều người tham gia hiến tiểu cầu như tham gia hiến máu tình nguyện”, bác sĩ Thuận nói.

Lan tỏa phong trào hiến máu nhân đạo

Bên cạnh những nhân tố mới trong việc hiến tiểu cầu cứu sống người bệnh, phong trào hiến máu tình nguyện ở tỉnh ta trong những năm qua đã đạt kết quả đáng mừng. Trong năm 2014 đã tiếp nhận 8.814 đơn vị máu của người hiến máu tình nguyện, đạt 136% so với kế hoạch (chỉ tiêu UBND tỉnh giao 6.500 đơn vị máu), đã đáp ứng 100% nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện trong tỉnh, góp phần đem lại sự sống, niềm vui cho hàng ngàn gia đình bệnh nhân. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 3.700 đơn vị máu từ những người hiến máu tình nguyện.

Bà Lê Thị Anh Thư - Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phấn khởi cho biết: “Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng được lan rộng trong cộng đồng, nhất là các đối tượng thanh niên, học sinh – sinh viên. Tiêu biểu như sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm, đầu năm đã tình nguyện hiến đột xuất 153 đơn vị máu để đáp ứng nhu cầu máu phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân”.  

Phong trào hiến máu tình nguyện đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Lượng máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị người bệnh tăng hằng năm, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Lực lượng hiến máu dự bị bước đầu được hình thành và phát triển. Đây là những tín hiệu vui trong việc duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu tình nguyện, hiến tiểu cầu tình nguyện ở tỉnh ta để đáp ứng nhu cầu về máu và các thành phần từ máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.  
                      

   Vũ Yến

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


 


.