Khoa học công nghệ giúp nông dân đổi đời

05:01, 11/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh những nghiên cứu khoa học để phát triển công nghiệp, dịch vụ, trong những năm qua, từ kết quả  nghiên cứu, khoa học công nghệ đã giúp nhiều nông dân ở các vùng quê nghèo đổi đời…

Khoa học đồng hành cùng nông dân

Những năm qua, các đề tài nghiên cứu khoa học về nông nghiệp do Sở KH&CN chủ trì đã mang lại những tín hiệu tích cực trong phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, nhiều ứng dụng đã mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân đổi đời.

 

Ứng dụng khoa học vào trồng mía trên đất gò đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao.                    Ảnh: LĐ
Ứng dụng khoa học vào trồng mía trên đất gò đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: LĐ

Vùng đất gò đồi ở các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, những năm trước người dân nơi đây chủ yếu trồng mía và mì nhưng năng suất không cao. Từ khi Sở KH&CN đưa vào ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, cơ giới hóa trong khâu làm đất, áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân cân đối trong canh tác mía trên đất gò đồi cũng như sử dụng các giống mía mới được lai tạo như Roc10, Roc16, Roc22… kết quả thật bất ngờ. Không thể tả hết niềm vui của bà con nông dân nghèo Hrê khi mà năng suất cây mía đạt từ 70-90 tấn/ha và chữ đường đạt gần 10CCS. Trong khi đó, năng suất mía ngoài vùng dự án ứng dụng khoa học công nghệ chỉ đạt 40-45 tấn/ha.

Tham gia dự án ứng dụng mô hình mới trong canh tác cây mía và liên tục “thắng lớn”, anh Phạm Văn Nết, xã Sơn Hạ cho biết, nhờ có ứng dụng khoa học vào canh tác cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giống từ Nhà máy Đường Phổ Phong nên gần 1ha đất chuyên trồng mía của gia đình anh trước đây thu nhập thấp, giờ mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ trên cây mía mà những năm qua, Sở KH&CN còn triển khai nghiên cứu trong lai tạo đàn trâu, bò ở một số địa phương. Trong đó, là những mô hình phát triển chăn nuôi bò thành nghề sản xuất chính của nông hộ trên địa bàn huyện Đức Phổ. Theo ông Nguyễn Thành Lưu-Chủ nhiệm dự án, hiện toàn huyện Đức Phổ có 500 hộ dân tham gia dự án. “Chúng tôi rất tin tưởng vào dự án của mình. Bởi trước mắt, nếu bê con ra đời ngoài thể hình to lớn, thịt nhiều và chóng lớn thì điều quan trọng hơn là chúng tôi sẽ lai tạo được đàn bò hiện nay có thể hình nhỏ để nhân rộng đàn bò có thể trọng lớn. Người nông dân sẽ có thu nhập cao” – ông Lưu chia sẻ.
 

 

Nấm Linh chi ở trại nấm của hộ anh Nguyễn Hải (Đức Chánh, Mộ Đức). Ảnh: N.KHÂM
Nấm Linh chi ở trại nấm của hộ anh Nguyễn Hải (Đức Chánh, Mộ Đức). Ảnh: N.KHÂM

Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ được đưa vào thực tiễn như trồng cây sa nhân tím, cây mây trên địa bàn huyện Ba Tơ bước đầu cho thu nhập khá. Tại xã Đức Nhuận (Mộ Đức), mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu đã mang lại những kết quả khả quan, mở ra nghề mới cho thu nhập cao.

Điểm nhấn trên đất đảo

Một trong những ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh phải kể đến, đó là dự án “Giải pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn”. Kết quả ngoài mong đợi khi mà chỉ sau một mùa đưa vào trồng thí nghiệm, chất lượng và năng suất tỏi trên đất đảo đã thay đổi rõ rệt.
 

 

Áp dụng kỹ thuật tưới nước phun mưa đã giúp người trồng tỏi tiết kiệm nước.
Áp dụng kỹ thuật tưới nước phun mưa đã giúp người trồng tỏi tiết kiệm nước.

Theo ông Nguyễn Văn Lê-Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Nông thôn huyện Lý Sơn, sau 30 tháng triển khai tại xã An Vĩnh và An Hải, cơ quan chủ trì dự án và cơ quan chuyển giao công nghệ đã đào tạo cho Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và Chế biến hành tỏi Lý Sơn 10 học viên là khuyến nông viên, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã và hộ dân trực tiếp tham gia sản xuất; tập huấn cho gần 400 lượt người là cán bộ kỹ thuật và hộ nông dân trong vùng dự án với các giải pháp kỹ thuật như: Chọn lọc, duy trì, sử dụng giống tỏi có khả năng chống chịu điều kiện bất thuận và cho năng suất cao; phương thức và khoảng cách trồng hợp lý trong canh tác tỏi; thiết kế hệ thống tưới nước theo phương thức phun mưa và thời điểm tưới thích hợp; bón phân hợp lý; phòng trừ sâu, bệnh hại tổng hợp để hạn chế dịch hại và tăng giá trị sản xuất, thâm canh tỏi theo hướng hiệu quả và bền vững...

 Đến nay dự án đã nhân rộng được 14ha, năng suất củ tươi trung bình đạt 11,28 tấn/ha, năng suất tỏi khô trung bình đạt 7,72 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình là 1,12 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, trong 2 năm với quy mô 14ha, sản lượng thu được 108 tấn, lãi thuần của mô hình hơn 1,7 tỷ đồng.


Không chỉ mang lại năng suất cao mà khi áp dụng kỹ thuật tưới nước phun mưa đã tiết kiệm gần 50% lượng nước sử dụng để tưới và giảm 50% công lao động so với trước đây. “Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất cây tỏi đã mang lại cho bà con nông dân Lý Sơn nhiều hiệu quả. Trong đó, nguồn gen quý giá của giống tỏi sẽ không bị mất đi, đó mới là thành công lớn” – ông Lê nói.

Ông Trần Chấn Diệp, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: “Những dự án ứng dụng KHCN trong lĩnh vực cây trồng và vật nuôi được triển khai trên địa bàn tỉnh do các Hợp tác xã chủ trì đã và đang mang lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ ở mô hình. Do đó cần phải nhân rộng ra để tất cả bà con nông dân trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi. Muốn vậy chúng ta phải coi trọng vai trò của chủ thể tiếp nhận. Đó là các doanh nghiệp, hợp tác xã. Thông qua đó để chuyển giao cho nông dân và tạo ra tính đại trà, quy mô lớn” – ông Diệp chia sẻ.r
 
 
Lê Đức
 

.