Khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ngãi: Những thành quả đáng mừng...

10:04, 30/04/2009
.

Nằm trong vùng Duyên hải miền Trung, tỉnh ta có vùng đất cát ven biển khoảng 10 ngàn héc ta. Gắn liền với các dải cát là những cánh rừng phòng hộ bằng cây phi lao, có chức năng giữ đất, giữ nước, lại chắn cát và chắn gió, nên mang ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên vùng cát ven biển lại thường gắn với sự nghèo khó. Gần chục năm trở lại đây, tiềm năng những vùng đất này mới được đánh thức khi nghề nuôi tôm trên cát ra đời, mở hướng xoá đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ dân ven biển. Tuy nhiên hành trình của con tôm trên cát cũng lắm chông gai. Có nhiều người giàu lên và cũng không ít người rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Đến khi con tôm chân trắng xuất hiện thay thế tôm sú, thì đời sống bà con nơi đây mới thật sự đổi đời!

 

Song khi diện tích nuôi tôm dần mở rộng ồ ạt, thì cũng là lúc con tôm bắt đầu bị nhiễm bệnh, khiến nhiều hộ dân nuôi tôm thua lỗ nặng. Trước thực tế đó ngành KH&CN Quảng Ngãi đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước ao nuôi tôm. Năm 2005 Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (T.T ƯDTBKH&CN) Quảng Ngãi đã nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ nuôi tôm 2 bậc, giúp người nuôi chủ động trong việc chăm sóc tôm, cũng như tăng khả năng xoay vòng ao nuôi, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích và giải quyết được một phần ô nhiễm đáy hồ. Công nghệ này đã được nhiều người nhanh chóng áp dụng rộng rãi. Đến năm 2006 trung tâm tiếp tục triển khai đề tài "Ứng dụng công nghệ sinh học bổ sung quần thể vi sinh vật có lợi vào môi trường nước ao nuôi tôm".

 

 Đề tài đã chọn được các chế phẩm hữu ích, để chủ động bổ sung vào ao nuôi tôm thử nghiệm. Qua 2 vụ nuôi cho thấy, môi trường nước ao nuôi tôm được giữ ổn định, hạn chế thay nước, tôm sinh trưởng phát triển tốt, dịch bệnh không xảy ra, năng suất đạt trên 15 tấn/ha. Năm 2007 đề tài tiếp tục nghiên cứu dùng các chế phẩm vi sinh vật để bổ sung vào ao nuôi thử nghiệm theo từng mùa vụ. Qua đó tiến hành tổng hợp, so sánh và hiệu chỉnh tất cả các số liệu phân tích trong từng vụ nuôi; đúc kết qui trình bổ sung chế phẩm vi sinh vật có lợi vào môi trường nước ao nuôi tôm công nghiệp và tổ chức chuyển giao quy trình này cho người dân áp dụng vào thực tế.

 

Ứng dụng KHCN vào nuôi tôm đã giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Ông Trần Trọng Huy - Giám đốc T.T ƯDTBKH&CN Quảng Ngãi cho biết: Qua thử nghiệm, trung tâm đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, xác lập một công nghệ nuôi tôm phù hợp sản xuất của người nông dân. Đó là "giải pháp tổng thể ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm thâm canh bền vững". Thực tiễn đến nay đề tài đã cơ bản đạt các tiêu chí đặt ra như: năng suất tôm nuôi đạt trình độ thâm canh; sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước ngọt ngầm; phù hợp với điều kiện ao nuôi của người dân hiện có và giá thành rẻ, dễ ứng dụng. Giải pháp tổng thể giữ ổn định hệ sinh thái bên trong ao nuôi là quá trình con người chủ động tác động vào ao nuôi ở trình độ thâm canh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các loài vi sinh vật có lợi tiêu thụ hết chất hữu cơ thừa, khống chế được sinh khối của vi sinh vật cũng như chất độc hại trong ao nuôi. Chất hữu cơ dư thải ra ngoài rất ít, được xử lý hữu hiệu không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Đồng thời mô hình sẽ không thay nước, nên giải quyết được bài toán suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngọt ngầm.

 

Giải pháp này đạt giải nhất trong hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi năm 2007. Được biết cũng nhằm phục vụ cho nuôi tôm và khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước ngầm dải cát ven biển trên địa bàn các huyện Mộ Đức và Đức Phổ, ngành KH&CN đã  triển khai thực hiện đề tài: "Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm vùng cát ven biển trên địa bàn 2 huyện Mộ Đức, Đức Phổ; đề xuất giải pháp quy hoạch khai thác sử dụng hợp lí". Kết quả cho thấy nước ngầm trong vùng nghiên cứu tương đối giàu, trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 150.000m3/ngày.

 

Có thể nói, hoạt động khoa học công nghệ phục vụ NTTS ở tỉnh ta thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Ngoài hoạt động KH&CN cấp tỉnh thì ở các huyện ven biển cũng đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng thành tựu KH&CN vào NTTS. Riêng với "giải pháp tổng thể ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm thâm canh bền vững" và đề tài điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm ven biển là cơ sở để quy hoạch xây dựng vùng nuôi tôm thâm canh bền vững, tạo tiền đề phát triển cơ sở nuôi tôm an toàn, mở rộng diện tích NTTS trong tỉnh, phù hợp với sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài, ảnh: P. D

 


.