Chuyến thăm Châu Á đầy chông gai của Tổng thống Obama

09:11, 12/11/2009
.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (12/11) đã chính thức bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến Châu Á, để lại đằng sau một loạt những vấn đề nóng bỏng trong nước. Điều này đã chứng tỏ tầm quan trọng về mặt kinh tế cũng như ngoại giao của khu vực này đối với Mỹ.
 
Tháng 4/2009, Tổng thống Obama đã thống báo nới lỏng lệnh cấm vận Cuba  (Ảnh:AP)
Tổng thống Obama  (Ảnh:AP)
Trong chuyến công du dài ngày nhất từ trước đến nay, Tổng thống Obama sẽ đến thăm các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Mục đích chuyến thăm này của ông Obama là để truyền thông điệp Mỹ đang can dự sâu vào Châu Á sau nhiều năm phớt lờ khu vực để tập trung và cuộc chiến chống khủng bố.
 
"Chủ đề xuyên suốt và bao quát trong chuyến thăm của ông Obama là Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương. Mỹ hiểu tầm quan trọng của Châu Á trong thế kỷ 21 và sẽ can dự sâu vào khu vực theo một cách toàn diện nhất để đạt được những tiến bộ trong một loạt vấn đề quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh chung của chúng ta," ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh Mỹ, phát biểu.
 
Với việc Tổng thống Obama đang nhận được tình cảm, sự tôn trọng và ngưỡng mộ khá cao ở những nước mà ông sắp tới thăm thì chắc chắn thông điệp mà ông muốn truyền tới khu vực Châu Á sẽ có tiếng vang nhất định. Tuy nhiên, giới phân tích cũng như giới quan chức ở Washington không dám kỳ vọng nhiều vào chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama bởi ông phải đối mặt với không ít khó khăn và trở ngại.
 
Những bất đồng về căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ với Hàn Quốc có thể sẽ là những thách thức chính trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Châu Á. Tuy vậy, ông Obama được cho là sẽ vẫn chớp lấy cơ hội này để tái khẳng định mối quan hệ lâu dài với hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở khu vực.
 
Khó khăn ở Tokyo
 
Nhật Bản vẫn được chọn là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã từng chọn Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới của bà. Điều đó đã đủ để chứng tỏ Mỹ coi trọng Nhật Bản như thế nào. Tuy nhiên, bất đồng gần đây giữa Tokyo và Washington liên quan đến việc sắp xếp lại các lực lượng của Mỹ đóng tại Nhật Bản đang có nguy cơ đe doạ mối quan hệ liên minh được xác định là “nền tảng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực.
 
Chính vì lý do trên, khi Tổng thống Obama đặt chân đến thủ đô Tokyo và có cuộc gặp với tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama thì một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là lập trường của tân chính phủ Nhật về việc sắp xếp lại lực lượng của Mỹ ở hòn đảo Okinawa.
 
Đảo Okinawa là nơi đồn trú của 2/3 trong số 47.000 binh lính Mỹ đang đóng quân tại Nhật Bản. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người dân Okinawa và các binh lính Mỹ ngày một xấu đi kể từ năm 1996 khi 3 lính Mỹ bị kết tội hãm hiếp một bé gái người Nhật 12 tuổi.
 
Chính phủ mới của Nhật Bản muốn sắp xếp lại toàn bộ việc đóng quân của các lực lượng Mỹ tại đảo Okinawa trong khi Mỹ kiên quyết phản đối. 
 
Năm 2006, Mỹ và chính phủ Nhật Bản đã thông qua thoả thuận tổ chức lại lực lượng Mỹ tại Nhật Bản. Lúc đó, Đảng Dân chủ tự do của Nhật Bản vẫn đang nắm quyền. Thoả thuận này bao gồm các kế hoạch chuyển hàng ngàn binh lính Mỹ khỏi đảo phía nam Okinawa, di dời căn cứ không quân Futenma từ khu vực đông dân ở Okinawa đến một khu vực thưa dân hơn và thuyên chuyển 8000 lính Mỹ cùng gia đình của họ từ Nhật đến đảo Guam tại Philippines. 
 
Việc di dời căn cứ không quân Futenma nổi lên là một vấn đề gai góc nhất trong quan hệ quân sự Mỹ-Nhật lúc này. Chính phủ mới của Nhật cũng như người dân Okinawa muốn chuyển căn cứ Funtenma ra khỏi Okinawa, thậm chí sang hẳn một nước khác. Tuy nhiên, phía Mỹ không chấp thuận. Theo một số nguồn tin báo chí Nhật Bản, phía Mỹ chỉ chấp nhận một số điều chỉnh nhỏ liên quan đến việc di dời căn cứ không quân Futenma, nhưng loại trừ hẳn khả năng rời khỏi Okinawa. Một số quan chức Mỹ còn cảnh cáo rằng mọi động thái nhằm xét lại các thỏa thuận đã ký về vấn đề này sẽ phá hoại quan hệ quốc phòng và an ninh đã có từ lâu đời giữa hai nước. 
 
Hôm Chủ nhật (8/11) vừa rồi, có đến gần 21.000 người dân ở thành phố Nago, Okinawa, đã biểu tình kêu gọi lực lượng Mỹ rời khỏi đảo Okinawa và ủng hộ việc Đảng Dân chủ (DPJ) của Thủ tướng Hatoyama mở lại các cuộc đàm phán song phương về vấn đề này với Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng vấn đề sắp xếp lại các lực lượng Mỹ ở đảo Okinawa sẽ chẳng thể được giải quyết trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama. Quan trọng hơn, cả Tokyo và Washington cũng không muốn giải quyết vấn đề đó trong thời điểm hiện tại.
 
"Tôi nghĩ sẽ có một thoả thuận giữa Mỹ và Nhật, đó là không cố gắng tìm cách giải quyết mâu thuẫn an ninh nói trên trong chuyến thăm này," ông Richard Bush, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Nam Á thuộc Viện Brookings cho Inter Press Service biết
 
"Tôi nghĩ ông Obama biết là không nên ép tân Thủ tướng Hatoyama giải quyết vấn đề này ở thời điểm khi mà chính quyền của đảng DPJ mới lên cầm quyền. Chính phủ do đảng DPJ lãnh đạo mới nhậm chức hôm 16/9, cách đây chưa đầy 2 tháng, và DPJ chưa bao giờ giữ vai trò lãnh đạo trước đây".
 
Rõ ràng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để chính phủ Nhật giải quyết mâu thuẫn với Mỹ. Bởi nếu bây giờ Thủ tướng Hatoyama nhượng bộ Mỹ thì ông sẽ mất đi sự ủng hộ của nhiều người dân Nhật cũng như các đảng phái nhỏ trong liên minh của ông này. Một số đảng nhỏ trong liên minh muốn gây sức ép buộc chính phủ của ông Hatoyama tìm kiếm một mối quan hệ bình đẳng hơn, độc lập hơn với Mỹ. Tình thế này sẽ hoàn toàn không có lợi cho chính phủ của ông Hatoyama trong bối cảnh ông này vừa lên cầm quyền và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nước, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế.
 
Nếu Thủ tướng Hatoyama kiên quyết giữ lập trường trong vấn đề sắp xếp lại các lực lượng Mỹ đóng tại đảo Okinawa thì quan hệ liên minh Mỹ-Nhật bền chặt bấy lâu sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng không có lợi cho Tokyo trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với sự vươn lên mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quân sự của nước láng giềng Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân hiển hiện từ CHDCND Triều Tiên.
 
Trở ngại ở Seoul
 
Trong chặng dừng chân ở Hàn Quốc, các chuyên gia cũng đánh giá rằng Tổng thống Obama sẽ khó mà đạt được tiến bộ gì đáng kể trong việc đạt được một thoả thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc - một thoả thuận mà Seoul coi là một phần quan trong trong quan hệ giữa hai nước.
 
Việc Mỹ tiếp cận với thị trường ô tô của Hàn Quốc nổi lên là vấn đề khó giải quyết nhất trong các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Seoul.
 
"Chúng tôi muốn bảo đảm rằng một hiệp định thương mại tự do phải mở cửa cho ô tô Mỹ vào thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời điểm khi nào điều này sẽ được thực hiện và có khả thi hay không về mặt chính trị vẫn đang là một câu hỏi khó trả lời," ông Jeffrey Bader, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Đông Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định.
 
Trong chuyến dừng chân ở Seoul, chắc chắn, Tổng thống Obama cũng sẽ thảo luận với phía Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên, tương lai của các cuộc đàm phán 6 bên và thông báo của Nhà Trắng về chuyến thăm sắp tới của phái viên Mỹ đến Triều Tiên – có thể trước cuối năm nay - nhằm khôi phục lại các cuộc đàm phán 6 bên. Vấn đề Triều Tiên cũng sẽ là một thách thức đối với ông Obama khi mà ngay trước chuyến thăm của ông đã xảy ra một cuộc đụng độ trên biển giữa Hải quân Triều Tiên và Hàn Quốc.
 
Trong khi các vấn đề gây mâu thuẫn về căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Hiệp định tư do thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ đem lại những cuộc đàm phán khó khăn giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc thì Tổng thống Obama có thể sẽ tìm cách đền bù bằng những cuộc xuất hiện trước công chúng, trong đó có các cuộc họp báo ở Tokyo, Seoul và Bắc Kinh, có bài phát biểu về quan hệ Mỹ-Châu Á ở thủ đô Tokyo và dự một cuộc gặp mặt với thanh niên Thượng Hải.
 
Trên thực tế, quan hệ giữa Washington và Seoul, Tokyo không hoàn toàn  là khó khăn. Hai nước đồng minh của Mỹ ở Châu Á đã ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc chiến ở Afghanistan với việc Nhật Bản mới đây cam kết cung cấp 5 tỉ USD viện trợ cho Afghanistan trong  khi Hàn Quốc cam kết đưa quân vào chiến trường này.
 
Bất chấp những bất đồng gần đây về căn cứ của Mỹ tại Okinawa và về thoả thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc, chuyến thăm Tokyo và Seoul vẫn là một cơ hội để Tổng thống Obama tái khẳng định mối quan hệ bền chặt và lâu dài của Mỹ với hai đồng minh thân thiết nhất của họ ở khu vực Đông Nam Á.

Theo VnMedia

.